Go - Jek: cuộc chiến với Grab sắp bắt đầu

Thứ bảy, 02/06/2018, 06:15 AM

Sau cơn sóng mang tên Grab, sắp tới đây, thị trường xe công nghệ Việt Nam sẽ chào đòn thêm một cái tên mới: Go-Jek. Ứng dụng đặt xe đến từ Indonesia vào Việt Nam và được dự đoán sẽ tạo nên một cuộc đua hấp dẫn với Grab…

Mở rộng thị trường

Theo CNBC, ngày 24 tháng 5 vừa qua Go- Jek đã công bố sẽ mở rộng thị trường sang 4 nước Đông Nam Á là: Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines, Go-Jek cũng đã thông báo sẽ đầu tư khoảng  500 triệu USD để gia nhập bốn thị trường này. Đầu tháng 2/2018 hãng này đã huy động vốn khoảng 1,5 tỉ USD vượt mức mục tiêu là 1,2 tỉ USD. Hiện Go-Jek đang được định giá ở mức 5 tỷ USD, theo công ty dữ liệu thị trường tài chính PitchBook cho biết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kế hoạch ban đầu được Go- Jek đặt ra là sẽ bắt đầu với dịch vụ gọi xe trước khi trình làng những dịch vụ bổ sung như mua sắm và giao hàng. Dịch vụ của Go-Jek hiện đã phủ sóng ở 50 thành phố của  Indonesia và được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư nổi tiếng như quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings của Singapore và tập đoàn công nghệ khổng lồ Tencent của Trung Quốc bên cạnh đó còn có sự đầu tư lớn từ Google.

Khi mới đi vào hoạt động, Go-Jek chỉ là một công ty ứng dụng gọi xe. Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động công ty này đã phát triển mạnh mẽ sang các lĩnh vực khác như thanh toán, giao thức ăn nhanh cũng như kinh doanh thực phẩm. Năm 2017, Go-Jek đã tuyên bố mua lại 3 công ty công nghệ tài chính (fintech) để tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến ở Indonesia.

Chạm trán với Grab tại thị trường Việt Nam

Đầu năm 2018, Grab thâu tóm được Uber và buộc Uber rời khỏi thị trường Việt Nam, tuy nhiên Grab vẫn chưa thể nào độc chiếm được thị trường trước sự chuẩn bị gia nhập của Go-Jek.

Cuộc chiến giữa Grab và Go-Jek được xem là một cuộc chiến ngang tài ngang sức khi xét về tiềm lực kinh tế tài chính hay tên tuổi người chống lưng đều là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Nếu như những nhà đầu tư của Grab là những tên tuổi lớn như: Didi Chuxing (Trung Quốc) và Tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản) thì Go-Jek lại có một sự hậu thuẫn rất lớn từ những ông trùm công nghệ khổng lồ như Tencent và Google.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Lúc mới đi vào hoạt động năm 2010 hãng xe Go-Jek chỉ bắt đầu với một trung tâm gọi xe ôm theo yêu cầu, ngược lại năm 2012 Grab cho ra mắt với ứng dụng gọi Taxi  MyTeksi. Nếu như CEO của Grab là ông Anthony Tan tốt nghiệp Đại học Chicago và tốt nghiệp MBA của đại học Havard thì CEO của Go-Jek là ông Nadiem Makarim tốt nghiệp đại học Brown và MBA của đại học Havard, cả hai đều là những nhà điều hành giỏi và có rất nhiều kinh nghiệm.

So về thị trường hoạt động thì Grab đã có mặt trên 195 thành phố ở 8 nước Đông Nam Á còn Go-Jek thì thị trường hoạt động có chút hạn chế hơn khi chỉ xuất hiện ở 50 thành phố của Indonesia và chuẩn bị mở văn phòng ở Singapore  cũng như chuẩn bị mở rộng thị trường sang 4 nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên các dịch vụ của Go-Jek có phần đa dạng hơn với 16 dịch vụ bao gồm các dịch vụ quen thuộc về gọi xe, ngoài ra còn có thêm các dịch vụ mới như mua thuốc hoặc gọi bác sĩ, dịch vụ làm sạch theo yêu cầu,...còn Grab có 9 dịch vụ tuy nhiên cũng có các dịch vụ giống với Go-Jek như gọi xe ôm, xe hơi, gọi taxi,xe chung,…

Theo một thống kê từ 5000 khách hàng tại Singapore, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Phillippines thì khoảng trống Uber để lại rất lớn bởi từ trước khi ứng dụng này ra đi, khoảng cách về thị phần của Grab và Uber tại các quốc gia này tương đối nhỏ.

Và nếu Go-Jek có thể thế chỗ Uber một cách thành công thì chắc chắn ứng dụng này sẽ lại trở thành một đối thủ đáng gờm của Grab tại thị trường Đông Nam Á. Và tất nhiên khi hãng xe nào có giá rẻ, minh bạch và có lợi đối với khách hàng hơn thì hãng xe đó sẽ thắng thế.

Liên Nguyễn

Theo NTD

largeer