Giao thông kết nối không đảm bảo, Bến xe Miền Đông mới nguy cơ chưa thể hoạt động
Dù kịp hoàn thành đúng dự kiến vào quý 1/2019, Bến xe Miền Đông mới cũng không thể đưa vào sử dụng ngay vì hệ thống giao thông kết nối xung quanh không đảm bảo.
Bến xe Miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4/2017, với diện tích hơn 16ha thuộc phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (Quận 9, TP.HCM).
Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án gồm nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.
Bến xe cũng sẽ kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ, trở thành bến xe hiện đại nhất cả nước.
Tuy nhiên, Bến xe Miền Đông không thể hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm 2017 và kéo dài sang quý 1/2019 mới đưa vào hoạt động.
Cụ thể, vào khoảng thời gian đầu năm 2018, dự án lại gặp khó khăn vì mặt bằng thi công nhiều tuyến đường nội bộ trong bến xe bị các nhà thầu thi công tuyến Metro số 1 rào lại để thi công các hạng mục của dự án.
Ngoài ra, trong trong phạm vi xây dựng nhà ga vẫn còn 2 hộ dân chưa chịu di dời khiến tiến độ thi công bị chậm lại. Đến ngày 17/9/2018, dự án đã cất nóc cho khu nhà ga hành khách và theo dự kiến sẽ hoàn thành nhà ga giai đoạn 1 vào cuối tháng 12/2018 để đưa vào hoạt động từ quý 1/2019.
Theo ghi nhận của PV, dù các công nhân vẫn đang gấp gút thi công nhưng việc đưa vào sử dụng trong quý 1/2019 như dự kiến là không khả thi.
Hiện tất cả các công trình bên trong dự án chỉ mới hoàn thiện xong phần thô. Trong khi đó, các hạng mục như đường kết nối, bến bãi,… vẫn đang ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, Samco chi biết ngoài xe khách liên tỉnh, bến xe mới sẽ có nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng để phục vụ việc chuyển tiếp hành khách vào trung tâm thành phố và các đô thị vệ tinh như: tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), tuyến xe buýt nhanh đi thành phố mới Bình Dương và các tuyến xe buýt, taxi để đưa đón khách, kết nối thuận tiện giữa các phương thức vận tải.
Tuy nhiên, đường chính Hoàng Hữu Nam kết nối bến xe mới với Xa Lộ Hà Nội lại rất nhỏ hẹp, có nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không thể đáp ứng được lưu lượng di chuyển đông đúc nếu bến xe đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 - niềm “hy vọng” của Bến xe Miền Đông cũng hiện cũng đang chậm trễ trong tiến độ thi công và có khả năng kéo dài lâu hơn vì những lùm xùm thời gian qua.
Được biết, hiện Sở Giao thông Vận tải đã có kế hoạch đầu tư xây dựng đường kết nối, xây cầu vượt và hầm chui quanh bến xe, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý 3/2019, trong khi Bến xe Miền Đông mới dự kiến hoàn thành vào quý 1/2019.
Như vậy, việc các tuyến giao thông kết nối không đảm bảo khiến Bến xe Miền Đông mới dù có hoàn thành kịp tiến độ cũng chưa thể đưa vào sử dụng ngay.
TP.HCM kỳ vọng Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ/ tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.
TÂN NGUYÊN
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội