Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Không nên gộp hai kỳ thi vào thành một, rất phiền phức”
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Người tiêu dùng, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng “Không nên gộp hai kỳ thi vào thành một, rất phiền phức”.
Trong những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ gian lận thi cử tại Hà Giang. Kết quả của đoàn công tác của Bộ GDĐT phối hợp với Ban chỉ đạo thi của tỉnh Hà Giang đã xác định ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang là người đã “tác động” đến kết quả thi của 114 thí sinh ở Hà Giang.
Toàn bộ số bài thi bị thay đổi là hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Trong đó, có 102 bài thi Toán; 85 bài thi Vật lý; 56 bài thi Hoá học; 8 bài thi Sinh học; 9 bài thi Lịch sử; 3 bài thi Địa lý; 52 bài thi Tiếng Anh. Phóng viên báo Người tiêu dùng đã phỏng vấn Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân sự vụ này.
Phóng viên: Trong những ngày qua, báo chí và công luận đề cập đến vụ việc liên quan đến gian lận trong thi cử ở Hà Giang, quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc: “Tôi đã nghỉ hưu hơn 10 năm và có nhiều vấn đề tôi không thể cập nhật hết được. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hợp lý. Nhưng các kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay dạy nghề thì nên giao cho từng trường một, để các đơn vị này tổ chức chứ Bộ không nên ôm đồm. Các trường đại học có đội ngũ cán bộ giảng dạy đông đảo, họ cần tuyển bao nhiêu thí sinh, thực hiện tuyển sinh theo hình thức nào, theo tôi các trường đủ sức làm được việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên gộp 2 kỳ thi vào thành 1, việc tổ chức đề thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa để tuyển vào đại học là rất phiền phức và dễ nảy sinh tiêu cực”.
Phóng viên: Rất nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ ở Hà Giang mà tiêu cực trong thi cử có thể xảy ra ở các tỉnh thành khác. Ông đánh giá thế nào về những ý kiến này?
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc: “Công tác điều tra, làm rõ đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai tích cực và đã công bố kết quả. Vụ việc là cá nhân những người vi phạm, có sự cố tình nâng điểm thi cho các thí sinh. Đây cũng là hiện tượng cá biệt, chứ không phải ở tỉnh nào, hay cụm thi nào cũng như vậy. Theo tôi, thi cử ở các tỉnh, thành đều rất nghiêm túc. Chỉ nên tổ chức kiểm tra ở những nơi có điểm thi bất thường, chứ không nên rà soát lại hết tất cả”
Phóng viên: Nhưng sự cố ở Hà Giang cũng đã khiến nhiều người nghi ngờ về sự chặt chẽ trong quy trình chấm thi, thưa ông?
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc: “Quy trình chấm thi đã được áp dụng, điều chỉnh từ nhiều năm nay, nếu như làm đúng thì không có vấn đề xảy ra. Bản thân tôi đã từng tham gia nhiều năm, tôi thấy quy trình rất chặt chẽ, phù hợp. Theo tôi, nếu có sai phạm thì cũng chỉ nằm ở một số cá nhân đã cố tình vi phạm”.
Phóng viên: Ông đã có dịp công tác ở nhiều nước trên thế giới. Ở các nước bạn, quá trình thi cử thế nào thưa ông?
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Các nước trên thế giới có những quy trình thi cử khác nhau. Phổ biến vẫn là họ tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học, nhưng cũng có một số nơi chỉ tổ chức thi đại học, tùy vào tình hình cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, có những quốc gia đã phổ cập giáo dục cách đây một hay hai trăm năm trước đây rồi, còn chúng ta mới phổ cập giáo dục vào năm 2000 và 2010. Chính vì vậy, chúng ta phải tính toán sao cho phù hợp trong việc tổ chức thi cử cho các thí sinh để đạt được sự hiệu quả cao”.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thế Anh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội