Giảm giá dịch vụ y tế: lợi và hại

Thứ hai, 02/07/2018, 22:05 PM

Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT, điều chỉnh giá của 88 dịch vụ y tế, trong đó chủ yếu là giảm giá, đã làm dư luận trong ngành y xôn xao.

Ảnh: Thành Hoa.

Ảnh: Thành Hoa.

Vấn đề là rất nhiều dịch vụ được giảm giá lại là những dịch vụ thiết yếu. Điều đó đánh dấu một bước lùi của Bộ Y tế trong việc đưa giá của các dịch vụ y tế về gần với giá trị thật của nó. Nhiều người làm việc trong ngành y cho rằng, việc giảm giá là do áp lực của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), chứ thực ra, giá của các dịch vụ này vẫn còn xa mới đạt đến giá trị thật của nó.

Việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh lần này trên thực tế chỉ có giá trị để BHXH thanh toán cho các bệnh viện, và chỉ có các cơ sở y tế không tự chủ về tài chính mới bị bắt buộc thực hiện theo giá này. Trong khi đó thì các cơ sở y tế tự chủ tài chính sẽ có quyền đưa ra giá của mình.

Đối với các cơ sở có khả năng tự định giá, việc giảm giá dịch vụ y tế có ý nghĩa là giảm tỷ lệ chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT), đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ phải tăng phần chi trả chênh lệch giữa giá của Bộ Y tế ban hành và giá của cơ sở y tế đưa ra.

Còn các cơ sở chưa thể tự chủ về tài chính thì bắt buộc phải giảm giá các dịch vụ theo quy định. Việc giảm giá lần này làm cho họ phải thực hiện việc cắt giảm chi phí, giảm lương... Từ đó, sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh.

Như vậy việc điều chỉnh giảm giá các dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ, hoặc là làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, hoặc làm tăng phần người bệnh phải chi trả. Thực ra, giá thu BHYT hiện nay khá thấp. Giải pháp phù hợp phải là tăng thu BHYT, đồng thời xem xét giảm các chi phí hành chính vận hành quỹ BHYT.

Tuy nhiên, xét về khả năng thì bộ máy hành chính của chúng ta, trong đó có bộ máy hành chính của BHXH, không có khả năng cắt giảm chi phí. Trong thực tế, cứ mỗi khi chúng ta có những cải cách hành chính, thì bộ máy lại cứ phình to ra, chi phí lại tăng lên gấp bội.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ phải tăng thu thuế để chi trả cho các hoạt động của mình, sự chịu đựng của người dân đã ở mức quá cao, thì việc tăng thu BHYT có thể sẽ gây ra những hậu quả không tốt. Do vậy, chuyển cho người bệnh gánh bớt một phần chi phí, hoặc giảm bớt chất lượng khám chữa bệnh là giải pháp được chọn.

Theo Thông tư 15 này, đồng thời với việc Bộ Y tế thỏa hiệp giảm giá các dịch vụ khám chữa bệnh là việc BHXH thỏa hiệp chi trả cho việc một bác sĩ khám trên 65 bệnh nhân một ngày. Việc quy định mỗi bác sĩ khám một ngày 65 bệnh nhân theo tôi đã là quá cao. Nếu vẫn chi trả cho những ca khám từ số 66 trở đi, dù với mức giá bằng 50% mức thông thường, có nghĩa là vẫn nuôi dưỡng quá tải.

Một bác sĩ làm việc tám giờ, nếu khám cho 65 bệnh nhân một ngày, có nghĩa là mỗi bệnh nhân được khám 7,4 phút. Đấy là chưa kể việc các bác sĩ còn phải giao ban, còn phải làm nhiều công việc hành chính khác. Với thời gian ngắn như vậy, làm sao bảo đảm được chất lượng khám chữa bệnh?

Nhiều bệnh viện đưa ra con số mỗi ngày đã khám bao nhiêu ngàn bệnh nhân. Có ai kiểm tra năng lực thật sự của họ, công suất khám chữa bệnh tối đa của họ là bao nhiêu để bảo đảm chất lượng hay chưa? Khác với nhiều lĩnh vực khác, chất lượng khám chữa bệnh đôi khi không thể hiện ngay, mà di hại đến cả thế hệ sau.

Tuy nhiên, chính việc quá tải này đã nuôi sống các bệnh viện. Với giá BHYT chi trả hiện nay, mặt bằng giá của Việt Nam không thể tăng cao được. Để bảo đảm ngân sách hoạt động, chỉ có thể duy trì quá tải mới bảo đảm được việc đó. Càng cắt giảm giá dịch vụ, càng phải nuôi dưỡng quá tải.

Cùng với việc nuôi dưỡng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, việc chuyển giao công nghệ về các bệnh viện tuyến dưới càng khó khăn. Từ đó, sự chênh lệch chuyên môn giữa các tuyến sẽ không thể san bằng được. Người bệnh sẽ lại bỏ qua tuyến dưới và đổ lên các tuyến trên. Ngân sách đầu tư cho tuyến dưới bỏ phí. Chất lượng khám chữa bệnh của tuyến trên không bảo đảm vì quá tải.

Nhưng dù sao thì việc giảm giá dịch vụ khám, chữa bệnh lần này cũng dễ chấp nhận hơn việc BHXH can thiệp quá sâu vào chuyên môn ngành y, ví dụ như việc quy định chụp XQuang như thế nào, bao nhiêu phim là đủ. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin thì sắp tới, Bộ Y tế sẽ rà soát lại giá các dịch vụ khác, và có thể sẽ cắt giảm thêm.

Hiện nay, tỷ lệ cấu thành giá thuốc điều trị là khá thấp so với tổng chi phí khám, chữa bệnh. Để bảo đảm không bị bội chi quỹ BHYT, Bộ Y tế và BHXH đã thống nhất cho sử dụng rất nhiều loại thuốc generic (mà dân ngành y gọi nôm na là hàng nhái). Rất mong là sẽ không có quy định nào làm khó thêm cho các bác sĩ khi kê toa cho người bệnh.

BS. Võ Xuân Sơn

Theo TBKTSG