Giải pháp hiệu quả chống thực phẩm "bẩn"
Nhuộm cà phê bằng pin, tẩy trắng củ cải và cà rốt bằng hóa chất, làm giá đỗ “siêu tốc” bằng hóa chất Trung Quốc… Hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn liên tiếp được phát hiện khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, trong thời gian qua, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với các đơn vị liên quan đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông Nguyễn Năng Ngọc là chủ (tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh). Đoàn kiểm tra đã thu giữ 644kg gân trâu, bò, lợn khô/tươi, 225kg phụ gia tẩy trắng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ vi phạm về kinh doanh thực phẩm bẩn để trục lợi bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm ở ngay chính người tiêu dùng, khi ý thức của một số người dân về việc này chưa đầy đủ.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thành phố đã, đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố và duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố tại phố Núi Trúc (quận Ba Đình) và phường Trung Liệt (quận Đống Đa); bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 tuyến phố văn minh. Thí điểm tuyến phố tập trung an toàn thực phẩm có kiểm soát tại quận Thanh Xuân và Long Biên; kiểm soát các bữa cỗ tập trung đông người tại 4 quận, huyện... Đồng thời, duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở mở 11 địa điểm bán được xác nhận sản phẩm an toàn; phối hợp với các tỉnh bạn triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi...
Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” sau khi được triển khai, Sở Công Thương và 12 quận đã thực hiện đến 1.078 cửa hàng kinh doanh trái cây. Cùng với đó, xây dựng, triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn bằng công nghệ thông minh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý trên địa bàn đã có ứng dụng phần mềm mã vạch, mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động - QR code.
Ngoài ra, Sở Công Thương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động trong công tác an toàn thực phẩm, tích cực phối hợp với các sở, ngành để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhất trên địa bàn thành phố, cũng như trong tháng cao điểm hành động an toàn thực phẩm. Sở Công Thương đã giao Chi cục Quản lý thị trường cùng 3 đội cơ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giấy tờ an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố hợp quy, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy mẫu kiểm tra nguồn gốc sản phẩm theo quy định.
Thanh Hiền
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm