“Giải oan” cho giấy phế liệu hỗn hợp
70% sản lượng giấy của Việt Nam được sản xuất từ giấy phế liệu. Tuy nhiên, nhiều nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp – vốn là nguyên liệu quan trọng để sản xuất giấy bao bì có nguy cơ bị loại khỏi danh mục được phép nhập khẩu trong tương lai gần.
Trong khuôn khổ Hội Thảo "Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam" vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, vấn đề này đã được đưa ra bàn luận với nhiều quan điểm khách quan.
Doanh nghiệp thiệt hại 37 triệu USD/năm
Dù giấy phế liệu là nguyên liệu sản xuất quan trọng cho ngành công nghiệp giấy tái chế nhưng hoạt động thu gom trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 15-20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
Sở dĩ các doanh nghiệp chú trọng vào việc sản xuất giấy thành phẩm từ nguyên liệu tái chế vì hoạt động này giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm chất thải ra môi trường, giảm chi phí sản xuất. Mặt khác, "ngành giấy là một ngành kinh tế có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó, việc tái chế nguyên liệu được chú trọng cao" – ông Phan Chí Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương phân tích. Theo ông Dũng, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Thuỵ Điển, Trung Quốc… đều rất chú trọng vào việc sản xuất giấy từ nguồn nguyên liệu tái chế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp giấy đang gặp khó khi dự thảo sửa đổi quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có đề xuất loại bỏ giấy phế liệu thuộc nhóm HS 47079000 – thường gọi là giấy hỗn hợp. Được biết, đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì (bìa carton, tôn sóng…). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn, khoảng 15%/năm, cao nhất trong các loại giấy. Do đó, nếu loại giấy phế liệu hỗn hợp ra khỏi danh mục phế liệu được nhập khẩu từ nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì, cụ thể như: thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chí phí sản xuất tăng, hiệu quả kinh doanh giảm thậm chí thua lỗ.
Ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách tại Hội thảo cũng đã đưa ra những tính toán khách quan cho thấy mức thiệt hại của doanh nghiệp khi không được phép nhập khẩu giấy phế liệu hỗn hợp phục vụ sản xuất. "Theo số liệu của 6 tháng đầu năm 2018 thì số lượng giấy hỗn hợp trên tổng số giấy phế liệu nhập khẩu chiếm 37%. Năm 2018 dự kiến các doanh nghiệp nhập khoảng 2 triệu tấn, nếu như thế thì thiệt hại rơi vào khoảng 37 triệu USD."
Chuyên gia, doanh nghiệp đồng loạt "hiến kế"
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, việc siết chặt quản lý phế liệu nhập khẩu ở thời điểm này là cần thiết, nhất là khi thời gian qua đã có một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập "rác" vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, như đã phân tích, nhiều nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp. Do đó, "quyết định này có thể gây những trở ngại tiềm tàng cho sự phát triển của ngành công nghiệp giấy nói riêng và nhiều ngành sản xuất, dịch vụ có liên quan nói chung." – ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Phía doanh nghiệp, các công ty giấy cũng hoàn toàn ủng hộ chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, vì lo ngại ô nhiễm môi trường nếu tiếp tục nhập khẩu giấy phế liệu hỗn hợp, nhà nước đã có những hiểu lầm nhất định về loại nguyên liệu quan trọng này. Cũng như bất cứ nhóm giấy phế liệu nào, giấy hỗn hợp được đưa vào nhà máy giấy với quy trình xử lý nghiêm ngặt, chất thải cũng được đưa vào xử lý lò hơi. Công nghệ xử lý tẩy hiện nay đã thay đổi rất khác, chuyển từ xút sang một số chất liệu khác nên việc chất thải ra ngoài môi trường cũng giảm thiểu rất nhiều.
Ông Phạm Đình Thưởng cho rằng, sở dĩ giấy hỗn hợp bị đề xuất loại bỏ vì nó chưa được phân loại, từ đó dẫn đến việc khó quản lý. Tuy nhiên, thực tế, loại nguyên liệu này phần lớn được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và đã được kiểm định theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. "Do đó, thay vì có quy định kiểm định lô hàng nhập khẩu phế liệu giấy tại cảng, Chính phủ kiểm định ngay tại nhà máy sản xuất về các hoạt động đảm bảo an toàn môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn... như cách mà nhiều nước đang làm." Ông Thưởng phân tích.
Cũng theo ông Thưởng, việc Chính phủ siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, đồng thời cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu... "Thay đổi chính sách nhất là các chính sách ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp cần có đánh giá tác động và có lộ trình" – Ông Thưởng đề xuất.
Tại hội thảo, ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho rằng cần có sự đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để có sự "thấu hiểu", từ đó có thể điều chỉnh quy định về giấy phế liệu hợp lý hơn. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu tại Việt Nam để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan Nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết
Trong phiên thảo luận, nhiều quan điểm đề xuất đổi tên gọi giấy tái chế là giấy thu hồi, xem đây là nguyên liệu chứ không phải là phế liệu nữa để tránh bị đánh đồng với rác thải cũng được nêu ra.
Hạnh Trang
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội