Giải bài toán thừa điện mặt trời thế nào để cứu doanh nghiệp
Đầu tư lớn nhưng nhà máy không được khai thác hết công suất, chưa được xác định giá bán điện khiến nhiều doanh nghiệp điện mặt trời khốn khó, vậy cách nào để cứu họ?
Tình trạng thừa điện mặt trời trong bối cảnh Việt Nam dự báo sẽ thiếu điện từ năm 2021 theo giới chuyên gia là do chính sách sau ngay từ đầu. Nếu có một quy hoạch tốt thì không có chuyện "bùng nổ" năng lượng tái tạo. Khi tình trạng này xảy ra, doanh nghiệp điện mặt trời trở thành nạn nhân, việc cắt giảm công suất điện diễn ra liên tục ảnh hưởng lớn đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn.
Chuyên gia và nhà đầu tư điện mặt trời đưa ra nhiều giải pháp cho bài toán hạn chế thừa điện mặt trời, “cứu” vốn đầu tư xã hội khỏi lãng phí. Tuy vậy, việc thực hiện không hề đơn giản.
Cần hệ thống tích trữ
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư khẳng định, bài toán giảm phát điện mặt trời sẽ không thể giải khi quy hoạch còn chắp vá, hệ thống truyền tải yếu kém và hệ thống lưu trữ điện không được tích hợp. Do đó, Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp tích trữ với các nhà máy điện mặt trời để không lãng phí nguồn đầu tư và chuyển dịch sang năng lượng sạch.
Đại diện một nhà máy điện mặt trời cho biết một trong những giải pháp căn cơ là thúc đẩy hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời (ESS).
“ESS là giải pháp cho phép sử dụng điện mặt trời chi phí thấp vào giờ trưa để sạc và xả vào giờ cao điểm để đáp ứng phụ tải đỉnh. Hệ thống này không xa lạ gì cả. Nhiều nước sử dụng rồi”, vị này nói và khẳng định công nghệ này hoàn toàn có thể triển khai được, tuy chi phí hơi cao, khoảng 10 tỷ đồng cho 1 MW lưu trữ.
Tuy vậy, theo ý kiến của vị này thì muốn ESS được áp dụng, quan trọng là cần có cơ chế để phát triển.
Tương tự quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai sẽ rất lớn và năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng cực nhanh. Vấn đề đặt ra là cần có nhiều hệ thống lưu trữ, tích trữ điện mặt trời đảm bảo sự phân bổ cũng như không để xảy ra sự tắc nghẽn trên lưới điện, để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội và thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch nhanh nhất có thể. “Lưu trữ năng lượng là công nghệ tất yếu, bắt buộc phải đồng hành với phát triển năng lượng tái tạo”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Mark Lesile, Công ty tài chính Macquarie, điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp hỗ trợ tích hợp nguồn điện mặt trời vào lưới điện bằng cách giới hạn công suất phát lên lưới cho quá trình nạp xả của hệ thống lưu trữ. Giải pháp này rẻ hơn, ít phát thải hơn các dạng nguồn có thể dự báo như than, khí.
Do nguồn điện mặt trời không liên tục và biến động thất thường nên có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp, điều độ đối với đơn vị vận hành lưới điện. Việc kết hợp giữa điện mặt trời và hệ thống lưu trữ có thể làm mịn đặc tính phát, vì thế ít tác động đến vận hành lưới điện, giúp nguồn phát điện mặt trời ổn định hơn.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), sự phát triển quá nóng của điện mặt trời khi hệ thống truyền tải không theo kịp đang gây ra nhiều hệ lụy, đẩy nhà đầu tư vào cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. Để nhanh chóng giải bài toán giảm phát điện mặt trời, cần nhanh chóng thực hiện nâng cấp lưới điện truyền tải.
“Doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi điện sản xuất ra không thể hoà lưới. Hoặc đã hòa lưới nhưng bị giảm phát do lưới điện quá tải”, ông Long nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nhà nước đã có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm điện mặt trời, thì phải có trách nhiệm mua mua hết công suất nhà máy, không thể để doanh nghiệp chỉ biết kêu trời. Ép giảm phát là quá vô lý, gây lãng phí nguồn lực và đẩy khó khăn về phía nhà đầu tư.
“Để có thể giải phóng hết công suất các dự án nguồn điện mới bổ sung cần những giải pháp đột phá, trong đó nên mở cửa để tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải. Doanh nghiệp tư nhân có tiền, có sự linh hoạt, nếu giao họ đầu tư hệ thống truyền tải sẽ đẩy nhanh được tiến độ dự án”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ngoài tình trạng phải cắt giảm công suất do dư cung, nhiều chủ đầu tư điện mặt trời cho biết, hiện nay chưa có cơ chế hợp đồng mua giảm giá cho điện mặt trời nên vẫn là câu chuyện "thừa thì cắt bỏ".
Theo phân tích của đại diện một doanh nghiệp điện mặt trời ở Ninh Thuận, nếu có cơ chế tốt cho nguồn năng lượng tái tạo, có thể chia sẻ chi phí cho các nhà máy chạy dự phòng, để tăng khả năng tích hợp vào lưới, khi đó giảm giá năng lượng tái tạo để chia sẻ vẫn tốt hơn là cắt bỏ.
Tuy nhiên, giải pháp này cần công khai, minh bạch số liệu dự báo nhu cầu phụ tải, danh sách tổng công suất các dự án đã vào vận hành, đang xây dựng cho tất cả loại hình nhà máy điện. Đồng thời, làm rõ tổng cung và cầu của hệ thống điện theo từng năm để tránh tình trạng đầu tư vượt cầu, gây lãng phí xã hội.
Rà soát, hạn chế doanh nghiệp đầu tư dự án mới
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh) được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 18/3/2016 đặt mục tiêu phát triển điện mặt trời ở mức 850 MW vào 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.
Tuy vậy, tại thời điểm lập và phê duyệt quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2016) chưa tính đến kịch bản phát triển bùng nổ điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2020 do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành vào tháng 4/2017.
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh thu hút các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện mặt trời bổ sung quy hoạch. Đến cuối 2018, Bộ Công Thương nhận được các đề xuất bổ sung 360 dự án điện mặt trời với tổng quy mô công suất khoảng 24.000 MW, đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400 MW.
“Việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ công khai, minh bạch. Đảm bảo phù hợp với các quy hoạch của địa phương, quy hoạch phát triển điện lực và hiệu quả đầu tư dự án”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trước sự phát triển quá mạnh mẽ của các dự án điện mặt trời, Bộ có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và EVN khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp về việc phát điển điện mặt trời.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng.
Trong đó, chỉ đạo các tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định số 13/2020.
Xác nhận các hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo tuân thủ quy định về phát triển, đấu nối, công nhận ngày vận hành, ký hợp đồng mua bán điện và các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực điện lực (danh sách trước ngày 11/3).
Trên cở sở danh sách nêu trên, tổng hợp điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc; nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư.
EVN cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương để thực hiện kiểm tra về phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua. Đồng thời báo cáo Bộ Công Thương các nội dung nêu trên trước ngày 12/3/2021.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở ban ngành có liên quan để rà soát, đánh giá điện mặt trời mái nhà theo quy định của pháp luật hiện hành và thẩm quyền của địa phương, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại văn bản số 185 ngày 9/2/2021.
Tổng hợp phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh (bao gồm dự án điện mặt trời mặt đất nối lưới và điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên).
Cũng trong một văn bản mới đây gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương nhắc đến việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Công thương, đây là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện. Việc tiết giảm cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.
HÒA BÌNH
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng