Giá xăng, điện tăng, công nhân thêm khốn khó

Thứ sáu, 19/04/2019, 09:39 AM

Giá xăng dầu, điện cùng tăng kéo hàng loạt hàng hóa, dịch vụ tăng theo

Chưa hết tháng 4 nhưng giá xăng dầu đã 2 lần tăng, gây sốc. Giá điện tăng từ tháng 3 cũng gây áp lực tăng giá hàng hóa và dịch vụ, đè nặng lên đôi vai người tiêu dùng. Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng là công nhân (CN) - những người có thu nhập ở nhóm thấp nhất - rất lo lắng, không biết chi tiêu từ đồng lương của mình như thế nào trong thời gian tới.

Khó khăn chồng chất

"Giá xăng tăng khiến vợ chồng tôi phải chi thêm khoảng 250.000 đồng mỗi tháng cho việc đi lại; bình quân tốn 1,5 triệu đồng/tháng cho 2 chiếc xe máy. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi hơn 14 triệu đồng/tháng, trong đó chi cho 2 con ăn học khoảng 7 triệu đồng, chi phí thuê trọ cùng điện, nước là 2,5 triệu đồng, ăn uống cả nhà hết khoảng 4 triệu đồng nữa. Nếu bị ốm đau hay cưới hỏi là tháng đó âm lương" - chị Đặng Thị Na, CN Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), than thở.

Anh Nguyễn Văn Huy, CN Công ty TNHH TMDV Cơ khí Tân Tiến (quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ bức xúc khi chỉ trong 20 ngày của tháng 4 mà ngành xăng dầu tăng giá đến 2 lần. Theo anh Huy, cứ đà này, đời sống của người thu nhập thấp sẽ không bao giờ khá nổi, chuyện tích góp mua nhà ngày càng xa vời. "Nếu trước đây, tôi đổ 50.000 đồng tiền xăng đi được 2 ngày thì từ nay tôi phải chi 100.000 đồng nhưng chỉ đi được 3 ngày. Nếu tính cả tháng là không hề nhỏ so với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng như tôi. Giá điện tăng, giá xăng dầu tăng làm chi phí của công ty nơi tôi làm việc cũng tăng theo, từ đó tình hình sản xuất kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Như vậy, tiền thưởng cuối năm chắc sẽ bị ảnh hưởng mạnh" - anh Huy dự đoán.

Anh Trương Hoàng Long, CN Công ty TNHH L.T (huyện Hóc Môn, TP HCM), nhận định vật giá tăng mỗi thứ một chút nên khó đánh giá được mức ảnh hưởng đến chi tiêu như thế nào. Tuy nhiên, thấy rõ nhất là chi phí ăn sáng đã tăng thêm 2.000-3.000 đồng/phần từ hơn nửa tháng nay. Những thứ khác cũng tăng thêm chút đỉnh, cộng chung lại cũng chi phối đáng kể đến thu nhập. Những CN đã lập gia đình, có con sẽ thêm phần chi tiêu khác nên khó khăn hơn. Với gia đình chỉ làm CN may, tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng thì sẽ rất vất vả. "Nhờ tôi làm CN bảo trì máy nên mức lương khá hơn. Tuy nhiên, vài tuần nữa, vợ sinh con, nghỉ đi làm một thời gian, nếu vật giá cứ tăng đều đều thế này thì chắc sẽ rất gian nan" - anh Long nói.

Đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn khi giá cả tăng nhanh. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn khi giá cả tăng nhanh. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Dè dặt chi tiêu

Anh Triệu Vi La, CN đang làm việc ở KCX Linh Trung II, có tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 13 triệu đồng/tháng. Để giảm bớt chi phí, anh chị gửi con về quê cho ông bà nuôi, mỗi tháng gửi phụ tiền chu cấp. Vậy mà cuộc sống vẫn khó khăn. "Tôi định sắm tủ lạnh để trữ đồ ăn, tiết giảm chi phí nhưng thấy giá điện tăng nên quyết định không mua, để dành tiền phòng khi hữu sự" - anh La bộc bạch.

Với anh Trần Văn Tân, CN xây dựng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP HCM), xăng, điện tăng giá đã kéo theo nhiều nỗi lo. Anh Tân làm thợ xây, vợ là CN một công ty may. Do là ở công trình xa nên anh phải di chuyển liên tục, tiền xăng chiếm một khoản chi tiêu không nhỏ. Vợ chồng anh đang thuê trọ ở quận Thủ Đức. "Thương hai đứa con nhỏ và ông bà vào nuôi cháu khi tiết trời nóng bức, không ngủ được nên vợ chồng muốn mua máy lạnh nhưng điện tăng giá buộc phải gác lại" - anh Tân chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lượm, CN Công ty TNHH Trường Lợi (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức), than thở: "Tôi làm CN, tính luôn tăng ca, mỗi tháng thu nhập chỉ 6-7 triệu đồng. Chồng tôi làm công việc tự do nên thu nhập rất bấp bênh. Vợ chồng tôi có đứa con đang học lớp 11, với bao thứ tiền phải chi tiêu nên làm tháng nào xài hết tháng đó, thiếu trước hụt sau, đôi khi phải vay mượn bạn bè. Giá xăng, giá điện tăng nhưng không biết sắp tới có gì tăng nữa không?". Với thu nhập cả hai vợ chồng bình quân 12 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chị Lượm phải đóng tiền nhà 1,5 triệu đồng, tiền điện 300.000 đồng, tiền nước 50.000 đồng/người, tiền ăn cho cả nhà 3 triệu đồng, tiền học cho con 2 triệu đồng, chi phí lặt vặt 2 triệu đồng/tháng… Chị Lượm cho biết từ đầu tháng 4, bà chủ nhà trọ của chị đã tăng tiền điện từ 2.500 đồng/KWh lên 3.000 đồng/KWh. "CN trong khu trọ thắc mắc, bà bảo nhà nước tăng giá điện, tôi cũng phải tăng chứ làm sao bù lỗ hoài được, các anh chị không muốn ở có thể đi nơi khác. Bà chủ nói thế chúng tôi biết làm sao!" - chị Lượm thở dài.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung 2), cho rằng: "Điện, xăng vừa tăng giá, hàng hóa ngoài chợ tăng theo ngay. Như giá bánh mì hằng ngày CN ăn đã tăng từ 5.000 đồng lên 5.500 đồng/chiếc, gạo tăng từ 20.000 đồng lên 22.000 đồng/kg… Cứ tưởng 500 đồng hay 1.000 đồng là ít nhưng nhiều thứ cộng lại là rất nhiều. Trong khi đó, lương CN không tăng. Đời sống CN vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn".

Người thu nhập thấp gánh chịu thiệt thòi

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), tính toán với áp lực tăng giá xăng 2 kỳ liên tiếp cùng tác động chung từ giá điện tăng trên 8% sẽ khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2019 tăng trên dưới 0,5%. Trong đó, có những mặt hàng chịu tác động tăng giá ở mức cao như hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, cước vận tải... bởi xăng, điện là chi phí đầu vào trực tiếp. "Đáng lưu ý, giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm... sẽ khó kiểm soát bởi người bán hàng thường dựa vào chuyện tăng giá điện, xăng để "té nước theo mưa". Chưa kể người lao động, người thuê trọ... còn có nguy cơ đối mặt với việc chủ nhà trọ tăng tiền điện, nước" - ông Độ cảnh báo.

Th.Dương ghi

NHÓM PHÓNG VIÊN

Theo nld.com.vn