Giá thép tăng phi mã: Bình thường hay bất thường?

Thứ năm, 03/06/2021, 11:06 AM

Từ đầu năm, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19, giá thép tăng đột biến, không theo quy luật thông thường, tác động đến hoạt động xây dựng, đẩy giá nhiều mặt hàng lên.

Chỉ từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 - 50% khiến nhiều người xây nhà gặp khó vì đội vốn, nhiều nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tính toán lại giá nhà. Nhiều ý kiến trái chiều về nguyên nhân hiện tượng trên đã được đưa ra. 

Có bất thường?

Giá thép tăng "nóng" thời gian qua được nhiều ý kiến cho rằng do chịu tác động từ tình hình thế giới. Trả lời VTC News, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp thép TP.HCM phân tích, đại dịch khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia sụt giảm, kéo theo sản xuất vật liệu xây dựng trong đó có mặt hàng thép cũng giảm theo.

Mặt khác, các mỏ khai thác quặng sắt trên thế giới cũng giảm công suất, trong khi đó chi phí nhân công, nguyên vật liệu sản xuất thép và chi phí vận chuyển tăng cao đã đẩy giá thép lên cao một cách bất thường.

Một nguyên nhân khác, theo ông Khương là do chính sách kiểm soát sản lượng của Chính phủ Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc có chính sách khuyến khích xuất khẩu thép ra thị trường thế giới bằng cách hoàn thuế cho các doanh nghiệp thì nay việc này đã bị cắt giảm, thậm chí không còn. 

Khi mà nhiều nước thực hiện các biện pháp kích cầu kinh tế, trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm nhu cầu thép tăng cao đột biến thì các nhà máy sản xuất lại không đáp ứng kịp do trước đó phải giảm công suất vì ảnh hưởng của COVID-19. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường thép thế giới, kéo giá trong nước tăng mạnh.

Không phủ nhận những nguyên nhân trên, song PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) vẫn cho rằng giá thép xây dựng tăng dựng đứng như thời gian qua là bất thường. Không chỉ nhà thầu xây dựng, người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà tăng trưởng nền kinh tế cũng có nguy cơ bị kéo lùi do ngành xây dựng có đóng góp lớn vào GDP. Trong khi đó, nhà sản xuất và phân phối thép sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tăng vọt của thị trường.

“Vì sao giá thép tăng cao như vậy? Khách quan được cho là do cung, cầu của thị trường và giá nguyên liệu tăng. Nhưng nhiều người có quyền nghi ngờ liệu doanh nghiệp thép trong nước có phải bắt tay nhau đẩy giá không?”, ông Long đặt câu hỏi.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra nhận định: “Nói giá thép tăng bất thường thì không hoàn toàn đúng nhưng bảo bình thường thì cũng không phải. Ngoài yếu tố cầu tăng, cung giảm, nguyên liệu khan hiếm và vận tải khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì có thể có yếu tố đầu cơ giá thép”.

Nói rõ hơn về nghi vấn này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần một doanh nghiệp thép tăng giá là các doanh nghiệp khác cũng có thể tăng theo mà không nhất thiết phải có sự thỏa thuận hay bàn bạc cùng nâng giá. Theo ông Long, việc "nhìn nhau" để tăng giá như thế cũng có thể coi là một sự bắt tay "ngầm".

Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trước động thái tăng giá “bất thường” của mặt hàng thép. “Trong nền kinh tế thị trường, bất cứ mặt hàng nào chỉ cần biến động trên 10% thì cơ quan chức năng phải tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp. Với giá thép, việc có thời điểm tăng đến 60% là bất thường nhưng các bộ ngành liên quan như Công Thương, Xây dựng, Tài chính chưa thấy có động thái gì rõ rệt", ông Long nói.

Trả lời nghi vấn giá thép tăng "nóng" có là điều bất thường hay không, các bộ ngành cũng đưa ra những quan điểm trái chiều. Trong một văn bản mới đây, Bộ Xây dựng nhận định: "Giá nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là thép có giá cao đột biến, tăng không theo quy luật tăng giá thông thường".

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lại nhìn nhận rằng, giá thép tăng thời điểm này là bình thường, do phụ thuộc nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu có mức giá đang tăng cao. Bộ này cho rằng "không có cơ sở kết luận các doanh nghiệp thép bắt tay tăng giá".

Lý giải việc thép không thiếu nguồn cung nhưng vẫn lên cơn "sốt giá", Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. 

Nhận định về giá thép trong thời gian tới, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng "sẽ còn tiếp tục tăng ở cả trong nước và thế giới", do diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động trước tác động của COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 

“Tôi không nghĩ giá thép có thể có cơ hội giảm xuống trong năm nay vì tình hình dịch đang ngày càng nghiêm trọng. Giá thép sẽ còn tiếp tục tăng đến hết năm”, ông Hiếu nói.

Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng Chính phủ không nên can thiệp vào giá thép mà để thị trường tự điều tiết.

“Ghìm cương” bằng cách nào?

Trả lời VTC News, đại diện Bộ Công Thương cho rằng giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đã làm cho giá thép thành phẩm tăng theo, gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất liên quan sử dụng sản phẩm thép.

Việc tăng giá thép cũng sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa năm 2021.

Để hạ “cơn sốt’ giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng. Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng để cân đối nhu cầu, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm.

Ngoài ra, loạt giải pháp nhằm ổn định thị trường thép cũng được Bộ Công Thương đưa ra như xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng...Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu....

Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Trong khi đó, ông Đinh Công Khương nhận định: để "hạ nhiệt" giá thép, giải pháp đầu tiên là phải tăng công suất khai thác của các mỏ, quặng sắt cũng như công suất của các nhà máy sản xuất thép lên. Ngoài ra Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất và tăng sản lượng thép đưa ra thị trường.

"Bây giờ các nhà máy sản xuất hết công suất, giá thép sẽ giảm từ từ, nguồn cung đáp ứng tốt thì thị trường thép sẽ ổn định lại", ông Khương nói.

HÒA BÌNH - THẾ QUANG

Theo vtc.vn