Giá gas tăng cao, nhiều người chuyển sang dùng bếp điện
Tổng mức tăng giá gas trong hai lần gần nhất là 58.000 đồng/bình 12kg, đẩy giá lên đến hơn 500.000 đồng/bình 12kg khiến nhiều người chuyển sang xài bếp điện để tiết kiệm tiền.
Cách đây sáu tháng, khi giá gas tăng lên hơn 400.000 đồng/bình, chị Lan Phương (Q.12, TP.HCM) đã chuyển sang dùng bếp từ bởi chị thấy giá gas thường tăng chứ ít khi giảm. Với bình gas 12kg, gia đình chị Phương dùng được hai tháng; tính ra, mỗi tháng tốn khoảng hơn 200.000 đồng tiền gas. Cũng vẫn nấu hai bữa/ngày như trước, sau sáu tháng dùng bếp từ, chị cho biết, tiền điện nhà chị chỉ tăng thêm 50.000 đồng/tháng so với trước.
Ngoài chi phí điện rẻ hơn, bếp từ, bếp hồng ngoại còn an toàn, sạch sẽ hơn so với gas. Tuy nhiên, không phải loại bếp từ nào cũng giúp tiết kiệm điện năng. Hiệu quả của các sản phẩm phụ thuộc vào nhà sản xuất, chất lượng… Anh Trương Ngọc Tài - nhân viên kỹ thuật gia dụng của Điện Máy Xanh - cho biết, xét về điện năng tiêu thụ và hiệu quả sử dụng thì dùng bếp từ tiết kiệm hơn bếp hồng ngoại, bếp hồng ngoại tiết kiệm hơn bếp gas. Khi dùng bếp gas, chỉ có khoảng 50 - 55% nhiệt lượng tỏa ra làm nóng đáy nồi, phần còn lại tỏa ra ngoài; với bếp hồng ngoại có khoảng 60 - 70% nhiệt lượng làm nóng đáy nồi, còn lại thoát ra ngoài; riêng bếp từ có 90 - 92% điện năng làm nóng đáy nồi.
Bếp hồng ngoại có thể dùng được cho hầu hết các loại nồi inox, nhôm, thủy tinh, sành sứ nhưng bếp từ chỉ dùng cho loại nồi có đáy nhiễm từ. Theo anh Tài, nhiều người chuộng loại bếp kết hợp một bên từ, một bên hồng ngoại do hợp với các loại nồi và nấu nhanh nếu dùng cùng lúc.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng - nhân viên Công ty Điện lực TPHCM - các loại bếp điện ngày càng được dùng phổ biến hơn nhưng việc lắp ráp, sử dụng bếp từ ở các gia đình hiện nay khá thiếu an toàn. Công suất của bếp từ rất lớn, thường từ 1.000 - 2.000KW/h, dễ sinh nhiệt, có thể gây cháy. Để sử dụng bếp từ an toàn, dây nguồn phải đúng kích cỡ và nên bọc dây dẫn bằng ống nhựa cách điện chống cháy hay ống kim loại để chuột không cắn dây và dây dẫn phải được nối đất, chống chập cháy, giật điện; cần có cầu dao (CP) riêng để đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố. Khi không sử dụng bếp, nên tắt CP để tránh ngâm điện (chạy không tải), vừa tốn điện, vừa nguy hiểm. Bên cạnh đó, người dùng nên lau sạch mặt kính bếp từ sau mỗi lần nấu vì mảng bẩn bám trên bếp càng dày, sẽ càng tốn điện. Khi nấu, không nên bật chế độ nhiệt cao nhất vì bếp cần có thời gian để truyền nhiệt, giúp thực phẩm chín đều.
Ông Lê Quang Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương - tư vấn, những gia đình sử dụng bếp gas có thể tiết kiệm gas nhờ thay đổi thói quen. Chẳng hạn trong quá trình nấu, không mở, tắt bếp liên tục, không để gió lùa, quạt thổi vào bếp gây hao gas; nên chuẩn bị sẵn các nguyên liệu cần nấu và mở lửa vừa phải, hạ lửa dần khi nước, canh sôi. Sau khi nấu xong, nên khóa van bình gas để tránh rò rỉ gas gây hao hụt và mất an toàn.
Nguyễn Cẩm
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm