Giá điện có thể tăng trong năm 2019: Người dân “gánh” thêm yếu kém của EVN?
Giá điện bán lẻ trong năm 2019 được khẳng định có thể điều chỉnh theo xu hướng đi lên. Đây là kết quả của hàng loạt chi phí phát sinh đều tăng. Thế nhưng, bên cạnh việc phải chấp nhận những yếu tố chính đáng như giá khí, giá mua điện tăng, người dân còn phải “gánh” thêm nhiều yếu kém của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Sẽ tăng giá điện trong năm 2019
Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá diễn ra trong ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong 3 tháng cuối năm 2018 sẽ không tăng giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình hình sẽ thay đổi trong năm 2019. Ông Hải cho biết, trong năm 2019 sẽ phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg vì các chi phí phát sinh đang có xu hướng tăng mạnh.
Cụ thể, ông Hải cho biết tổng chi phí phát sinh năm 2018 trong cơ cấu tính giá điện là khoảng 5.483 tỷ đồng. Tổng chi phí tăng thêm năm 2019 của các khoản chi phí nêu trên khoảng 15.252 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải tính thêm khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện treo từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng (theo Quyết định 34/2017/QĐ-TTg về khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020).
Như vậy, theo ông Hải, tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2019 bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019 nêu trên là khoảng 20.735 tỷ đồng. Đây là những thông số đầu vào cơ bản được xem xét để điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, EVN cũng đã gây xôn xao dư luận khi công bố kế hoạch điều chỉnh giá điện. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng, kể từ 1/12/2017, giá điện bán lẻ vẫn tăng thêm gần 100 đồng (tăng 6,08%) với mức giá bán lẻ mới là 1.720,65 đồng/kWh.
Trong năm 2018, một lần nữa EVN lại khiến dư luận “dậy sóng” khi muốn tăng giá điện cho sản xuất giờ thấp điểm. Giá điện tăng để bù đắp cho kế hoạch giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch về mức ngang bằng với giá áp dụng cho các cơ sở sản xuất. Dự thảo này bị phản đối kịch liệt.
Người dân “gánh” yếu kém của EVN?
Theo cơ chế thị trường, chi phí đầu vào tăng thì giá đầu ra tăng là lẽ thường tình. Theo công bố của ông Đỗ Thắng Hải, với chi phí phát sinh trong năm 2019 lên đến 20.735 tỷ đồng, giá bán điện trong năm 2019 sẽ tăng. Thế nhưng, cần phải xác định rõ, trong chi phí phát sinh, đâu là những yếu tố hoàn toàn thuộc về thị trường, đâu là yếu tố đến từ khả năng quản lý của EVN.
Ông Hải cho biết, trong 5.483 tỷ đồng chi phí phát sinh năm 2018, chi phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 502 tỷ đồng, giá khí trong bao tiêu thực hiện theo thị trường tăng thêm khoảng 1.910 tỷ đồng. Còn lại 3.071 tỷ đồng là phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2017. Trong năm 2019, phát sinh này lên đến 3.516 tỷ đồng.
Có thể thấy, ngoài các yếu tố đầu vào do thị trường quyết định, người dân còn phải gánh thêm lỗ tỷ giá của EVN. Và gánh nặng này, người dân đã phải “bền bỉ” gánh trong nhiều năm qua bởi theo đại diện Deloitte Việt Nam, đơn vị kiểm toán độc lập của EVN cho biết trong 2 năm (2014-2016) sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn đều lỗ, trong đó có khoản chênh lệch tỷ giá gần 9.800 tỷ đồng.
Đại diện Deloitte Việt Nam cho biết thêm theo chuẩn mực kế toán, lỗ tỷ giá này phải đưa vào báo cáo ngay lập tức nhưng do giá điện không thể tăng ngay được nên Chính phủ cùng các bộ ban ngành cho phép EVN được treo phần lỗ tỷ giá này và phân bổ dần từng năm. Và trong năm 2019, người dân tiếp tục gánh “cục lỗ” này.
Ôm lỗ vẫn bạo chi
Cho tới tháng 6/2018, EVN vẫn phải gánh khoản lỗ tỷ giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, tại ngày 30/6/2018, khoản lỗ tỷ giá của EVN được ghi nhận là 3.614 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 4.952 tỷ đồng hồi đầu năm. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục chịu gánh nặng nợ nần. Tỷ giá và khoản nợ phải trả lên đến 487.732 tỷ đồng đã khiến EVN phải chi 11.901 tỷ đồng cho chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm 2018. Chi phí tài chính tại EVN cao gấp 11,7 lần lợi nhuận sau thuế trong kỳ.
Trong bối cảnh đó, lẽ ra phải tiết giảm chi phí để chia sẻ với người dân thì EVN vẫn bạo chi. Trong 6 tháng đầu năm nay, chi phí quản lý doanh nghiệp tại EVN đạt 5.306 tỷ đồng, tăng 573 tỷ đồng, tương ứng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng tăng từ 2.812 tỷ đồng lên 2.937 tỷ đồng.
Kết quả là bất chấp lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm tăng nhưng lãi ròng của EVN vẫn giảm. Cụ thể, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 16.187 tỷ đồng lên 19.219 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm sâu từ 1.487 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.019 tỷ đồng.
Vy Vy
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường