Giá dầu tăng mạnh do dấu hiệu thiếu cung
Giá dầu thế giới tăng 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong đó giá dầu Brent đạt đỉnh 3 tuần, sau khi thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm mạnh hơn dự kiến, trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran có những dấu hiệu gây thắt chặt nguồn cung.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,15 USD/thùng, tương đương tăng 3%, đạt 74,78 USD/thùng. Trong phiên giá dầu Brent có lúc đạt 75 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31/7.
Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI tăng 2,02 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, chốt ở 67,86 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo hàng tuần cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 5,8 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Nguyên nhân trực tiếp khiến tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm là các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang hoạt động mạnh, với 98,1% công suất thiết kế - mức cao nhất kể từ năm 1999. Trong tuần trước đó, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tiêu thụ 17,9 tiệu thùng dầu mỗi ngày, một con số kỷ lục. Tuần trước, mức tiêu thụ này có giảm xuống, nhưng chỉ là giảm nhẹ 89.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, dự trữ xăng của Mỹ tuần qua tăng 1,2 triệu thùng, dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 1,8 triệu thùng - theo EIA.
Ngoài dữ liệu về dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD. Tuần này, đồng USD rớt giá liên tục sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông "không lấy gì làm mừng" với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi khả năng xuất khẩu dầu của Iran sụt giảm vì lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt lên quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này.
Hôm thứ Tư, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đang gây tác động mạnh đến nền kinh tế và tư tưởng của người dân Iran.
Các công ty dầu lửa châu Âu đã bắt đầu cắt giảm việc mua dầu của Iran, trong khi các khách Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động nhập khẩu dầu Iran.
"Vấn đề Iran tiếp tục chiếm lĩnh tâm trí của giới giao dịch dầu lửa", ông Greg McKenna, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc công ty môi giới AxiTrader, phát biểu.
Tình hình Iran căng thẳng hơn khi Tehran ngày 22/8 cảnh báo sẽ tấn công vào các mục tiêu Mỹ và Israel nếu Iran bị Mỹ tấn công. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi cố vấn an ninh của ông Trump nói Washington sẽ gây sức ép tối đa lên Tehran ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế.
OPEC đến nay đã tăng nguồn cung dầu sau khi đạt thỏa thuận nới sản lượng khai thác với Nga hồi tháng 6, nhưng các nhà sản xuất dầu lửa trong OPEC đến nay vẫn khá dè dặt với việc khai thác thêm dầu. Saudi Arabia thừa nhận với OPEC rằng nước này thậm chí đã giảm sản lượng trong tháng 7, thay vì tăng như dự kiến.
Thời gian gần đây, giá dầu giằng co giữa một bên là những tín hiệu về sự thắt chặt nguồn cung, với một bên là khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu chững lại trên toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Ngày thứ Tư, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương mại tại Washington, nhưng ông Trump đã nói ông không kỳ vọng vòng đàm phán này đạt kết quả thực chất.
Thăng Điệp
- Hơn 500 chai rượu “hạng sang” không rõ xuất xứ tuồn ra thị trường
- Bộ trưởng Công Thương: Quản lý thị trường tắc trách vì thiếu chuyên môn là không chấp nhận được!
- Thêm 5 "lính mới", thị trường xe đa dụng Việt Nam ngày càng "nóng bỏng"
- Nhà nước hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản: “Thách thức” hay “cơ hội”?
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường
-
Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn giảm thêm nửa triệu đồng