Giá dầu giảm, sản lượng của Saudi Arabia tăng và kinh tế châu Á suy thoái
Những ngày đầu tiên của tháng 7 chứng kiến sự bất ổn của kinh tế thế giới khi giá dầu giảm trong bối cảnh Saudi Arabia tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô. Điều này khiến kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nỗ lực của Saudi Arabia
Ngày 2/7/2018, giá dầu Brent (dầu thô từ biển Bắc và được xem là chuẩn quốc tế) kỳ hạn LCOc1 cán mốc 78,16 USD/thùng, tức là giảm 1,07 USD (1,35%) so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi đó, dầu thô kỳ hạn trung bình tại Mỹ, West Texas CLc1 giảm 94 cent, tương đương 1,3%, ở mức 73,21 USD / thùng, sau khi tăng hơn 8% trong tuần trước.
Thứ Bảy tuần trước (30/6), trên Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng, quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia đã đồng ý tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô. Nhà Trắng ngay sau đó cũng đã khẳng định lại lời nhận định của ông Trump khi cho rằng người đứng đầu Saudi Arabia sẽ cho phép tăng sản lượng dầu trong trường hợp cần thiết.
Kể từ tháng 5 năm 2018 đến nay, Saudi Arabia đã tăng 700.000 thùng mỗi ngày. Theo thống kê của hãng tin Reuters hôm 29/6/2018 thì sản lượng xuất khẩu dầu hiện tại của Saudi Arabia đã gần cán mốc kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày ở thời điểm tháng 11 năm 2016 (đó cũng là thời kỳ khủng hoảng nhất của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Việc các quốc gia OPEC chủ động cắt giảm số lượng xuất khẩu, rồi câu chuyện các nước không thuộc nhóm OPEC, điển hình là Nga thắt chặt thị trường dầu mỏ thế giới từ năm 2017, cơn khủng hoảng kinh tế của các nước Canada, Venezuela, Libya, sự kiện Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt với quốc gia này đã gây ra những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp dầu. Chính vì vậy, những động thái của Saudi Arabia ít nhiều cũng đã khiến nỗi lo này được giảm bớt.
Vẫn còn đó những rủi ro
Bất chấp những nỗ lực tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn căng thẳng khi mà các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Canada có dấu hiệu leo thang.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, đại diện của ngân hàng Mỹ JP Morgan cho rằng: “Những cuộc chiến thương mại liên miên cộng với giá dầu giảm kéo theo việc thuế tăng sẽ khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và các cuộc chiến thương mại ở mức độ ngắn và trung bình có thể sẽ làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu ít nhất 0,5%. Nếu các quốc gia không giải quyết sớm tình trạng này, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với những cú sốc lớn hơn”.
Những trung tâm kinh tế chính ở châu Á xung quanh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đưa ra các báo cáo về sự giảm sút trong các đơn hàng xuất khẩu vào tháng sáu vừa qua trong bối cảnh tranh chấp thương mại leo thang với Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cũng đã cảnh báo các đồng minh của mình trong một cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật về khả năng sẽ trừng phạt các công ty châu Âu dám qua mặt Mỹ làm ăn với Iran. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường dầu mỏ thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quá trình xuất khẩu dầu thô của Iran.
Nhận định về vấn đề này, đại diện công ty tư vấn năng lượng FGE cho rằng: “Kế hoạch của chính quyền Trump đối với lệnh trừng phạt Iran giờ đây đã rất rõ ràng. Họ tìm cách đẩy xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Iran về con số không”. Như vậy, sản lượng xuất khẩu hiện tại từ 2,4 đến 2,7 triệu thùng dầu thô của Iran có thể sẽ khác rất nhiều từ nay cho đến cuối năm 2018. Với những nguy cơ tiềm ẩn ấy, thế giới sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc biến động giá lớn chứa đựng nhiều rủi ro trong tương lai gần.
Thế Anh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội