Giá dầu chạm đáy 10 tuần vì nỗi lo tăng trưởng kinh tế
Giá dầu thế giới sụt hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi xuất hiện thêm những dấu hiệu của sự gia tăng nguồn cung. Ngoài ra, nhà đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ trở thành "nạn nhân" của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tại thị trường London giảm 1,43 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 75,91 USD/thùng.
Giá dầu WTI tại thị trường New York giảm 0,86 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 66,18 USD/thùng.
Theo hãng tin Reuters, trong phiên, có lúc giá dầu Brent rớt xuống mức 75,09 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 24/8. Giá dầu WTI có lúc còn 65,33 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 17/8.
Dữ liệu do Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) công bố ngày 30/10 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 5,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức dự báo tăng 4,1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Cả giá dầu Brent và dầu WTI đều đã giảm khoảng 10 USD/thùng kể từ mức đỉnh của 4 năm thiết lập vào tuần đầu của tháng 10, đồng thời đang trên đà hoàn tất tháng giảm tệ nhất kể từ tháng 7/2016.
Giá dầu đã lao dốc theo đợt sụt giảm của thị trường tài chính toàn cầu mấy tuần qua, khi giá cổ phiếu chịu áp lực giảm mạnh vì cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai nói ông cho rằng sẽ có "một thỏa thuận tuyệt vời" giữa Mỹ với Trung Quốc về thương mại, nhưng cũng cảnh báo rằng ông sẽ tiếp tục áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận.
"Đang diễn ra một cuộc tranh luận quanh việc liệu căng thẳng thương mại có thể gây tổn hại đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Ảnh hưởng như vậy là điều hoàn toàn có thể xảy ra", ông Bob Yawger, người phụ trách mảng giao dịch hợp đồng tương lai thuộc Mizuho ở New York, nhận định.
Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng giá dầu tăng đang tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và có thể kéo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu suy giảm giữa lúc các hoạt động kinh tế toàn cầu có chiều hướng chậm lại.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy sản lượng dầu của Nga, Mỹ và Saudi Arabia - ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - lần đầu tiên đạt 33 triệu thùng/ngày trong tháng 9 vừa qua. Mức sản lượng này đã tăng thêm 10 triệu thùng/ngày so với hồi đầu thập niên, và đồng nghĩa với việc chỉ ba nước sản xuất dầu này giờ đã đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới.
Theo dự kiến, Mỹ sẽ tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa của Iran vào tuần tới, và xuất khẩu dầu lửa của quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này đã giảm thời gian gần đây. Tuy nhiên, Saudi Arabia và Nga đã nói rằng sẽ bơm đủ dầu để đáp ứng nhu cầu sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp lên Tehran.
Diệp Vũ
- Tân Tổng Cục trưởng QLTT cũng "đau đầu" với hàng gian, hàng giả
- Tiêu hủy đồng hồ giả hiệu Rolex, rượu lậu, hàng giả giá trị hơn 2 tỷ đồng
- Thâu tóm Lazada, Miniso: Người tiêu dùng lo ngại đại gia Trung Quốc bán hàng giả ở Việt Nam
- Bộ Công thương kết luận vụ Con Cưng: Không có chuyện Con Cưng bán hàng giả
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường