Giá cổ phiếu lập kỷ lục, vốn hóa 1.000 tỷ USD đã trong tầm tay Apple
Apple chỉ còn cách cột mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD một khoảng cách rất gần.
Trong báo cáo hàng quý gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào ngày thứ Tư, Apple cho biết số cổ phiếu của công ty tính đến ngày 20/7 là 4.829.926.000 cổ phiếu, giảm nhẹ so với số cổ phiếu ở thời điểm cuối quý 2.
Giới phân tích ước tính rằng, với lượng cổ phiếu như vậy, giá cổ phiếu của Apple cần đạt mức 207,04 USD/cổ phiếu để hãng chạm mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, cổ phiếu Apple tăng 5,9%, đóng cửa ở mức cao kỷ lục 201,5 USD/cổ phiếu, sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 2/2018 tốt hơn dự báo vào hôm thứ Ba. Với mức giá cổ phiếu này, vốn hóa của Apple đã vượt mức 973 tỷ USD.
Như vậy, chỉ cần giá cổ phiếu Apple tăng thêm khoảng 2,8% nữa là mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD được xác lập.
Thời gian gần đây, khi thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu chững lại, có nhiều ý kiến cho rằng Apple cần có một sản phẩm mới để duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, cổ phiếu Apple đã tăng hơn 19% từ đầu năm đến nay nhờ doanh số vững của hai mẫu iPhone 8 và iPhone X, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Doanh thu dịch vụ tăng mạnh nhờ gian ứng dụng App Store cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng tổng doanh thu của Apple.
Bên cạnh đó, Apple còn sử dụng dự trữ tiền mặt gần 245 tỷ USD để tăng cổ tức trả cho cổ đông và mua lại cổ phiếu như một cách để "thưởng" cho nhà đầu tư - trong đó có nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.
Quý 1 năm nay, tập đoàn Berkshire Hathaway của ông Buffett mua gần 75 triệu cổ phiếu Apple, đưa cổ phiếu này lên vị trí đầu bảng trong danh mục đầu tư của tập đoàn.
Tuy nhiên, Apple không phải là "gã khổng lồ" công nghệ duy nhất đang tiến gần tới mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Amazon hiện có mức vốn hóa gần 877 tỷ USD, Alphabet trị giá gần 853 tỷ USD, và Microsoft được Phố Wall định giá xấp xỉ 816 tỷ USD.
Thời gian qua, giới phân tích đã có nhiều đồn đoán về việc công ty nào trong số này sẽ cán mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD đầu tiên, và mất bao lâu thì cả 4 "đại gia" cùng đứng trên ngưỡng đó.
Dĩ nhiên, theo hãng tin CNN, chẳng có sự đảm bảo nào về việc bất kỳ ai trong số 4 công ty này sẽ đạt được mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Hồi cuối thập niên 1990, các nhà đầu tư đã đặt nhiều kỳ vọng và việc Cisco và Microsoft vượt mốc vốn hóa như vậy, chỉ để rồi hy vọng tan biến khi bong bóng công nghệ vỡ tung vào tháng 3/2000.
Giờ đây, Microsoft vẫn có cơ hội để lập kỳ tích vốn hóa, nhưng Cisco còn một chặng đường rất dài để đi nếu đích đến là mức vốn hóa "nghìn tỷ đô". Hiện nay, vốn hóa thị trường của Cisco chỉ vào khoảng 197 tỷ USD.
Nhưng dù Apple, Microsoft, Alphabet hay Amazon có đạt 1.000 tỷ USD vốn hóa, thì cũng chẳng ai trong số họ là doanh nghiệp đại chúng đầu tiên trên thế giới đạt tới cột mốc này.
Hãng dầu lửa khổng lồ PetroChina của Trung Quốc đã từng vượt mức vốn hóa trên vào năm 2007, khi cổ phiếu PetroChina bắt đầu được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Giờ đây, PetroChina được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và có vốn hóa khoảng 196 tỷ USD.
Thăng Điệp
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường