EU sẽ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á
Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) sẽ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực châu Á.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đang tạo ảnh hưởng lớn ở khu vực châu Á với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẵn sàng chi 124 tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á. Tham vọng của Trung Quốc bị Mỹ và các quốc gia khác phản đối và mới nhất, đại diện EU cho biết, tổ chức này sẽ tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới đối với lục địa đông dân nhất thế giới này.
Theo kế hoạch, vào ngày thứ Năm tới (18/10), tại hội nghị ở Brussels (Bỉ), chiến lược kết nối châu Âu-châu Á sẽ được thông qua. Cũng tại hội nghị này, EU sẽ công bố chi tiết các dự án đầu tư vào Ấn Độ và khu vực Trung Á. Ngoài ra, EU cũng sẽ có kế hoạch tham gia các dự án Tự do và Rộng mở liên Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ và Nhật Bản đề xướng, chiến dịch kết nối ASEAN đến năm 2025. Theo tính toán của Ngân hàng phát triển châu Á, mỗi năm, châu Á cần khoảng 1.700 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông François Godement, Giám đốc của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại châu Á và Trung Quốc tiết lộ, thương mại giữa châu Âu và châu Á đang ở mức 1.500 tỷ euro (1.700 tỷ USD) mỗi năm. Sắp tới, kế hoạch kết nối giữa 2 châu lục này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có thể dẫn đến khoản đầu tư của EU tại châu Á tăng lên từ 3 đến 4 lần so với hiện tại. Tuy nhiên, kế hoạch này không nêu rõ số tiền được đổ trực tiếp vào các dự án cơ sở hạ tầng, hoặc vào châu Á, vì ngân sách cụ thể vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua vào năm sau và chỉ có hiệu lực vào năm 2021.
Trước sự bành trướng của Trung Quốc, không chỉ EU mà các cường quốc Mỹ và Nhật Bản cũng đã có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc tạo tầm ảnh hưởng ở châu Á. Tháng 7/2018, chính quyền Mỹ đã chi 113 triệu USD cho các dự án về cơ sở hạ tầng và năng lượng ở châu Á. Đến tháng 8/2018, Mỹ lại tiếp tục chi 300 triệu USD tài trợ cho vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Hôm thứ Ba vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Japan ở Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe cam kết thúc đẩy 150 dự án “cơ sở hạ tầng chất lượng” tại 5 quốc gia Đông Nam Á, như là một phần của kế hoạch kết nối Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản.
Việc cả Mỹ, Nhật Bản và EU cùng cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong quá trình tạo tầm ảnh hưởng ở châu Á sẽ là cơ hội để châu lục này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Tất nhiên, mỗi một tổ chức, quốc gia sẽ có những tính toán riêng cho từng dự án, chiến lược của mình. Theo một số chuyên gia châu Á, khu vực Balkan và Trung Á sẽ là những địa điểm mà EU quan tâm nhất bởi những quốc gia này được coi là sân sau của tổ chức chiếm tới hơn 22% GDP của cả thế giới này.
Thế Anh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội