Đường sắt tốc độ cao có thể đi xuyên đèo Cả, Cù Mông

Thứ bảy, 16/06/2018, 09:27 AM

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc với 4 tỉnh miền Trung về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao.

Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi

Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với UBND các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga, trạm bảo dưỡng… của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. 

Theo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Ban Quản lý dự án Đường sắt và Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 1.500 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó gần 60% đi qua cầu và hầm; trên tuyến có 23 nhà ga.

Toàn tuyến được chia thành 4 chặng chính: Hà Nội - Vinh (282km), Đoạn Vinh - Đà Nẵng (432km), Đà Nẵng - Nha Trang (472km), Nha Trang - TP HCM (363 km). Trong đó, đoạn đi qua 4 tỉnh nói trên thuộc chặng Đà Nẵng - Nha Trang có một điểm đáng chú ý như: từ ga Đà Nẵng đi song song đường sắt hiện tại và đến ga Tam Kỳ (phía Tây TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - vượt sông Trà Khúc và đến ga Quảng Ngãi - theo phía Nam đến tỉnh Bình Đình và tiếp cận thị trấn Phù Mỹ, đến ga Diêu Trì để kết nối với TP. Quy Nhơn.

Dự kiến đường sắt tốc độ cao được thiết kế đi xuyên qua đèo Cả, Cù Mông

Dự kiến đường sắt tốc độ cao được thiết kế đi xuyên qua đèo Cả, Cù Mông

 Dự kiến đường sắt tốc độ cao được thiết kế đi xuyên qua đèo Cả, Cù Mông. Từ ga Diêu Trì đường sắt tốc độ cao đi xuyên qua đèo Cù Mông sang tỉnh Phú Yên, vượt sông Đà Rằng và đến ga Tuy Hòa cách sân bay Tuy Hòa khoảng 2,2km. Sau đó, tuyến đi xuyên qua đèo Cả sang tỉnh Khánh Hòa, song song đường sắt hiện tại, tiếp cận ga Nha Trang dự kiến đặt tại xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm thành phố khoảng 4,5km. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, thống nhất với các địa phường để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình các cấp xem xét thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019. 

Về phía các tỉnh, UBND các địa phương cho biết ủng hộ việc nghiên cứu dự án và sẽ báo cáo, trao đổi kết quả làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh để các đại biểu nắm được thông tin, ủng hộ thực hiện dự án.

Theo chiến lược phát triển GTVT đường sắt dự kiến đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. Trong đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. Từ 2020-2030 triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h) trên những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

H.Lộc

Theo baogiaothong.vn