Đường sắt Cát Linh tái khởi động, kiểm tra tiến độ hàng tuần
Bộ trưởng GTVT kiểm tra tiến độ dự án Cát Linh - Hà Đông mỗi tuần. Các đơn vị đều quyết tâm đưa công trình vào vận hành để chào mừng Đại hội Đảng XIII.
Ngày 3/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức diễn tập xử lý tình huống khẩn cấp tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trao đổi với Zing tại buổi diễn tập, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro, bày tỏ phấn khởi trước nhiều tín hiệu cho thấy dự án sắp về đích. Từ đầu tháng 11, hơn 680 nhân sự của Hanoi Metro đã được triệu tập để tái khởi động dự án, phấn đấu đưa dự án vào khai thác từ đầu năm 2021.
"Tin vui nhất với chúng tôi là Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đưa dự án đường sắt Cát Linh đi vào hoạt động như là một công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII", ông Trường chia sẻ.
Từ khi có lệnh tái khởi động, Hanoi Metro đã phối hợp với Ban quản lý dự án Đường sắt xây dựng kế hoạch chi tiết, chia làm 4 giai đoạn với 15 đầu việc và 85 nhóm công việc. Đến nay, các công việc đang được thực hiện đúng tiến độ. Hàng tuần, Bộ trưởng GTVT đều họp giao ban để kiểm điểm.
Bốn giai đoạn được sắp xếp theo thứ tự gồm chuẩn bị huy động nhân lực, ôn luyện kỹ năng nghiệp vụ, diễn tập chạy thử 20 ngày và chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại. Trong từng giai đoạn có các phần việc liên quan đến hoàn thiện dự án, đào tạo, huấn luyện nhân sự được thực hiện song song.
Sau thời gian nghỉ vì không có việc, toàn bộ nhân sự của Hanoi Metro phải trải qua các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành của chuyên gia ACT. Nhân lực nào không đủ điều kiện phải đào tạo lại.
"Do thời gian chờ đợi lâu cũng có một số nhân sự xin thôi việc. Nhưng số này chủ yếu là lao động phổ thông, chúng tôi đã tuyển bổ sung. Còn lực lượng lao động chất lượng cao như lái tàu, điều hành OCC vẫn đảm bảo quân số", ông Trường khẳng định.
Liên quan đến việc vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày sắp tới, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết đây là hoạt động lần đầu tiên kế hoạch này được triển khai. Trước đây, đơn vị chỉ chạy thử để kiểm tra về máy móc thiết bị, đoàn tàu... còn vận hành thử là sẽ ghép thêm nhân sự vận hành vào, các chuyên gia chỉ đứng quan sát.
Để đưa dự án vào khai thác thương mại đầu năm 2021, ông Trường cho biết sẽ cần điều kiện tiên quyết là Tư vấn ACT cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Chứng nhận này sẽ đánh giá 3 khía cạnh an toàn về xây dựng, máy móc thiết bị đoàn tàu và nhân sự.
"Chất lượng máy móc thiết bị sẽ do Ban quản lý dự án đánh giá, nhưng qua thực tế sử dụng, chúng tôi thấy đoàn tàu và máy móc thiết bị, thông tin tín hiệu đều hoạt động tốt", ông Trường chia sẻ.
Điều kiện quan trọng thứ hai là Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước phải đồng ý chứng nhận dự án đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại.
Trước đó, Bộ trưởng GTVT yêu cầu mọi vướng mắc còn lại của dự án phải được báo cáo lên lãnh đạo cấp cao nhất. Phía TP Hà Nội cũng quán triệt các sở ban ngành phải vào cuộc khi công ty có yêu cầu hỗ trợ.
Về phía Tổng thầu Trung Quốc, đại diện đơn vị này cho biết không khí làm việc trên công trường đang rất khẩn trương. Tổng thầu đang khắc phục nhiều hạng mục theo yêu cầu của Ban quản lý dự án để sớm bàn giao công trình.
Ngọc Tân
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường