Đường dây than "lậu" do hai "đại gia" lan đột biến điều hành hoạt động rầm rộ thời gian dài
Dưới sự điều hành của cặp song sinh Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, mỗi năm Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác than gấp hơn 120 lần số lượng được cấp phép.
Những ngày qua, vụ việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 12 đối tượng về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", trong đó có 2 anh em ruột là Bùi Hữu Giang (SN 1989) và Bùi Hữu Thanh (SN 1989), cùng trú phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, là đại gia chủ vườn lan var ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cách đây không lâu, vào đầu năm 2021, anh em sinh đôi Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh đã gây rúng động dư luận với thương vụ giao dịch lan đột biến "Ngọc Sơn Cước" có giá trị lên đến 250 tỉ đồng.
10 đối tượng còn lại trong đường dây khai thác than lậu với quy mô cực lớn vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) triệt phá này, có nhiều bị can là giám đốc, phó giám đốc một số công ty. Điển hình là trường hợp bà Châu Thị Mỹ Linh, giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, trú quận 12, TP HCM.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, để thực hiện thành công chuyên án, trong nhiều tháng qua, Ban chuyên án đã tổ chức nhiều mũi trinh sát âm thầm xác minh thu thập tài liệu, nắm bắt di biến động, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tại nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
Theo kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định bà Châu Thị Mỹ Linh cùng với anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác than lậu.
Theo tìm hiểu, năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.
Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2018, Công ty Yên Phước mới bắt đầu đi vào hoạt động khai thác than mỏ than lộ thiên.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, bà Châu Thị Mỹ Linh đã "bán cái" toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương cho Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh điều hành.
Theo đó, Công ty Yên Phước đồng ý cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến than tại mỏ với giá 1 tấn than thành phẩm 450.000 đồng. Hợp đồng ký kết giữa hai bên thể hiện khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, có thời hạn trong 5 năm.
Như vậy, theo thỏa thuận và hợp đồng ký kết, bà Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác gấp 47 lần công suất hằng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết quá trình đồng loạt khám xét tại mỏ, cơ quan điều tra xác định từ tháng 3-2019 đến tháng 8-2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than.
Bình quân hằng năm, lượng than công ty này khai thác "chui" gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.
Điều đáng chú ý, số lượng than bị khai thác lậu lên đến cả triệu tấn, diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.
Các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỉ đồng.
Cụ thể, Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hằng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép.
Than khai thác lậu tại mỏ than Minh Tiến.Kết quả điều tra ban đầu xác định công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang và Thanh hơn 1 triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỉ đồng.
Qua kiểm tra, hiện tại bãi chứa ở chân mỏ khai thác, số lượng than đã khai thác được chất đống ở đây gần 1,5 triệu tấn.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản của Linh, Giang, Thanh cùng một số lãnh đạo, nhân viên của Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là không đúng với nội dung giấy phép của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỉ đồng.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cũng cho biết ngoài việc khởi tố, bắt tạm giam 12 đối tượng, hiện C03 cũng đang điều tra làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác có liên quan đến đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu quy mô lớn này.
Trọng Đức - Nguyễn Hưởng
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở