Đừng để trường tư thục - nội trú thành “trại lính”!

Thứ tư, 27/06/2018, 11:24 AM

Mới đây, sự việc nam sinh một trường tư thục nội trú trên địa bàn TP.HCM tự tử để lại thư tuyệt mệnh đã đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng đào tạo tại các trường này. Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với cô Phạm Thị Thuý Vĩnh - Hiệu trưởng Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm xung quanh vấn đề này.

Vụ việc nam sinh tự tử để lại thư tuyệt mệnh chia sẻ về cuộc sống nội trú ở trường giống như sống trong các “trại lính” gò bó và khuôn khổ, cộng với áp lực thành tích từ gia đình dẫn đến những quyết định tiêu cực đã làm đau lòng nhiều phụ huynh và cả những người làm công tác giáo dục. 

Là người nhiều năm làm công tác giáo dục cũng là hiệu trưởng trường tư thục TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM), cô Phạm Thị Thuý Vĩnh đã có những chia sẻ thấu đáo về công tác quản lý nội trú. 

PV: Thưa cô, Trường tư thục TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm đã đi vào hoạt động hàng chục năm và hiện tại có trên 5.000 học sinh. Đây là nơi được nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em theo học. Cô có thể chia sẻ về công tác quản lý nội trú?

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh: Chẳng có bí quyết cao siêu gì cả. Cái cốt yếu nhất là cơ chế quản lý của nhà trường khép kín, đổi mới quy trình giáo dục và các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

PV: Theo cô các trường tư thục nội trú nên có những tiêu chí gì?

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh: Theo tôi, các trường tư thục nội trú hiện tại nên đảm bảo cả chất lượng giáo dục lẫn cơ sở vật chất.

Hai yếu tố tinh thần và vật chất cần song song với nhau. Giáo viên gần học sinh hơn để hiểu và đồng cảm, đồng thời nhanh chóng nắm bắt, uốn nắn khi học sinh có tâm lý tiêu cực. Đặc biệt, cần rèn luyện học sinh không chạy đua với “bệnh thành tích”. Như ở Trường tư thục nội trú Ngô Thời Nhiệm, tôi cùng ban giám hiệu nhà trường luôn nghiêm khắc thực hiện 3 yếu tố cơ bản:

Thứ nhất, cơ sở vật chất phải đủ điều kiện để đảm bảo cho quy trình dạy, học, sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện thể mỹ, sinh hoạt nội trú…

Thứ hai, người thầy phải tận tâm, tận lực, có phương pháp giáo dục chú trọng vào từng đối tượng học sinh. Quy trình giáo dục là khép kín nhưng người thầy phải có trái tim mở để giúp học sinh không khép kín hồn mình trong cuộc sống luôn biến động. Tất cả học sinh đều có tố chất nhất định; thông qua các hoạt động giáo dục tại lớp và ngoài giờ lên lớp, ngoài nhà trường các hoạt động Đội, Đoàn, phong trào thể thao, văn nghệ… người thầy phát hiện sở trường để khuyến khích các tố chất phát triển thành năng lực. Khi môi trường thân thiện các em sẽ thấy thoải mái, không bị áp lực, khi các em được tôn trọng, được bình đẳng thì các kỷ cương nề nếp của nhà trường dễ thuyết phục học sinh thực hiện, học sinh yêu mến trường, lớp, yêu mến thầy cô thì các em sẽ cố gắng trong học tập và tất nhiên sẽ có kết quả tốt.

Thứ ba, cơ chế quản lý của nhà trường vừa thực hiện cơ chế dân chủ vừa tuân thủ những quy định chặt chẽ theo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; có sự phối hợp chặt chẽ giữa hội đồng quản trị, ban giám hiệu, các đoàn thể của nhà trường vì mục tiêu giáo dục toàn diện. Nhà trường vận dụng cơ chế thi đua khen thưởng mềm dẻo, chính sách tiền lương hợp lý để khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên tận tâm tận lực cống hiến vì học sinh thân yêu. Giáo viên của trường đều là cơ hữu.

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh

PV: Nhiều phụ huynh cho rằng: “khi gửi con em vào các trường tư thục nội trú là gửi con vào các “trại lính”, quan điểm của cô là như thế nào?

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh: Trường nội trú không thể là một trại lính được. Đó là một quan điểm sai lầm của một số phụ huynh.

Đối với tôi trường tư thục nội trú phải là “ngôi nhà thứ hai” của con trẻ; phải là nơi gắn kết học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô và học sinh với xã hội. Với ngôi nhà thứ hai này, những mầm xanh trí tuệ sẽ vươn lên cùng với tình thương và sự nâng niu của thầy cô.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là, ở một số trường tư thục nội trú vẫn còn tình trạng giáo viên vô cảm với học sinh, ngộ độc thực phẩm hay học sinh tự tử…Chúng ta cần có cái nhìn công tâm, khách quan về những mặt tồn tại, yếu kém và cả những mặt tích cực, để trường tư thục nội trú ngày càng hoàn thiện. Từ đó,phát huy thế mạnh của mình, hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết chỗ học, giảm tệ nạn xã hội.

PV: Tiêu chí nào là quan trọng để một ngôi trường nội trú trở thành “ngôi nhà thứ hai”?

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh: Trường học nội trú đã có từ lâu trên thế giới. Ở Việt Nam, môi trường nội trú gần đây phát triển rất mạnh mẽ.

Trung học nội trú không chỉ là nơi để học kiến thức sách vở, mà còn là môi trường để người học rèn luyện nhiều kĩ năng cần thiết cho cuộc sống.

Theo tôi đánh giá chất lượng của một trường phổ thông phải nói là chất lượng toàn diện. Nhà trường chấp nhận sự đa đạng của học sinh. Tất các học sinh vào học ở trường đều phải được chăm sóc như nhau, học sinh rèn luyện đồng đều cả kiến thức, nhân cách, thể chất, thể mỹ và các kỹ năng mềm để thích ứng với cuộc sống đương đại. Học sinh biết cách học để thích nghi với các bậc học cao hơn hoặc đi vào cuộc sống lao động; nói một cách khác là “Học để biết, để làm việc, để hòa nhập với cộng đồng”.

Cảm ơn cô về những chia sẻ trên. Chúc cô và tập thể giáo viên của Trường tư thục nội trú Ngô Thời Nhiệm sức khỏe, bền chí để chắp cánh ước mơ cho những “mầm xanh” của đất nước.

 Văn Nguyễn (Thực hiện)

Theo NTD

largeer