Đừng đẩy khó cho doanh nghiệp!
Các doanh nghiệp kiến nghị TP HCM tiếp tục cải cách hành chính, đừng vì thuận lợi quản lý mà làm khó doanh nghiệp.
"Thủ tục hành chính (TTHC) là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp (DN). Lãnh đạo TP HCM sẽ làm việc với từng sở để rà soát lại những TTHC còn trì trệ, với mục tiêu phục vụ DN ngày càng tốt hơn" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định như vậy tại lễ kỷ niệm 2 năm chương trình "Cà phê cùng doanh nhân" của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), vào sáng 4-8.
Cải thiện nhưng chưa thoáng
Ra đời từ năm 2016, chương trình "Cà phê cùng doanh nhân" đã trở thành 1 điểm sáng của cả nước. Trong chương trình lần này, với chủ đề "Hiến kế các giải pháp phát triển công nghiệp, xây dựng các thương hiệu mạnh và sản phẩm chủ lực của thành phố", các doanh nhân đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, vướng mắc TTHC.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho biết trong hội nghị gặp gỡ với lãnh đạo TP HCM vào tháng 3, các doanh nhân đã kiến nghị 30 vấn đề, TP đã tháo gỡ 23 kiến nghị; một số khó khăn vướng mắc đã được giải quyết dứt điểm. Đến nay, tình hình cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa thực sự tạo ra thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt các thủ tục về đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư còn rất phức tạp; DN khó tiếp cận các nguồn vốn; các quỹ hỗ trợ vốn, bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa hầu như không hoạt động; các nguồn lực từ nhà nước chưa phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, thủ tục cấp giấy phép con, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh còn làm khó DN. Chưa có loại giấy phép con, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nào được hủy bỏ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
"Vấn đề then chốt vẫn là tiếp tục cải tiến TTHC theo hướng lấy DN làm trung tâm, đừng vì thuận lợi quản lý mà làm khó DN" - ông Dũng kiến nghị.
Nguy cơ bị thâu tóm
Trước thực trạng ngày càng nhiều DN lớn Việt Nam bị thâu tóm, rơi vào tay nước ngoài như nước giải khát Chương Dương, Tribeco, Sabeco, Nhựa Bình Minh, cáp điện Cadivi, Vissan…, giới doanh nhân cho rằng cần có kế hoạch và chiến lược trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cũng như chương trình xây dựng thương hiệu mạnh, sản phẩm chủ lực của TP HCM.
Nêu thực trạng 75% cổ phần của Công ty CP nhựa Bình Minh do nước ngoài nắm giữ, ông Nguyễn Hoàng Ngân, tổng giám đốc, chỉ ra rằng việc đa dạng nguồn vốn, kể cả việc để nước ngoài giữ vốn của DN Việt không phải là vấn đề lớn. Vấn đề là nhiều tập đoàn trong nước không ai muốn mua trong khi DN nước ngoài sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thâu tóm. "Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2018, nhà nước sẽ bán cổ phần 10 DN lớn nhất, sẽ rất đáng tiếc nếu khoản tiền thu về từ các thương vụ đó không được sử dụng đúng mục đích" - ông Ngân lo lắng.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận cảnh báo của Công ty CP nhựa Bình Minh. Ông Phong dẫn chứng năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP HCM tăng gấp đôi 2016 và 7 tháng đầu năm 2018 tăng 44% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng các dự án FDI chỉ chiếm 1/3; 2/3 còn lại đổ vào các thương vụ mua bán sáp nhập. "Mục đích cuối cùng của họ là thâu tóm chứ không phải góp vốn, bản thân chúng ta phải có nội lực và chuyển động mạnh mẽ trước tình hình này" - ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, TP HCM là đầu tàu kinh tế cả nước và đang thúc đẩy các ngành giá trị gia tăng trên cơ sở đổi mới sáng tạo nhưng lại có rất ít thương hiệu mạnh. Trong số 40 thương hiệu mạnh trên cả nước do Tạp chí Forbes bình chọn, chưa đến 10 thương hiệu ở TP HCM. 88,7% DN của TP quy mô siêu nhỏ, 4,5% là DN nhỏ; chỉ 1,4% DN lớn.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cam kết: "TP tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời thúc đẩy 1,4% DN lớn để các DN này tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu".
Huy động các nguồn lực phát triển TP
Trao đổi với doanh nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng
TP HCM dẫn đầu cả nước về đóng góp ngân sách nhưng nguồn lực lớn nhất của TP không phải là số thu ngân sách mà là 5 triệu lao động, trong đó có đội ngũ doanh nhân. Do đó, cần phát huy triệt để hiệu quả của lực lượng lao động này. TP cũng không thể phát triển kinh tế bằng ngân sách mà phải xã hội hóa; sắp tới sẽ xã hội hóa nhiều lĩnh vực để kêu gọi nguồn lực từ DN, người dân tham gia phát triển TP.
Bài và ảnh: Thanh Nhân
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội