Dự thảo tiêu chuẩn thịt mát đón nhận những góp ý xác đáng

Thứ hai, 13/08/2018, 15:32 PM

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông sản, lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) Nguyễn Như Tiệp khẳng định, thịt đông lạnh rã đông rồi bán dưới dạng thịt mát không phải là thịt mát.

 Quang cảnh Hội thảo Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật

Quang cảnh Hội thảo Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật

Với sự có mặt của gần 100 đại biểu đến từ hệ thống thú y, chăn nuôi, quản lý nông lâm thủy sản, phát triển thị trường, các DN chế biến, NK thịt, các chuyên gia, tại hội nghị cuối tuần qua ở TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết về thịt mát.

Ông Nguyễn Thanh Khuê, Chủ tịch HĐQT Cty Chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc đóng góp, dự thảo tiêu chuẩn thịt mát yêu cầu độ pH của thịt là 6.2% hơi cao, nên để ở ngưỡng 5.4 - 6.0 hợp lý hơn. Ông Khuê cho rằng, dự thảo thời hạn sử dụng thịt mát từ 17 - 21 ngày là gò bó DN bởi mỗi đơn vị có cách thức bao gói khác nhau. Ông kiến nghị việc đó để DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm.

Đại diện Cty Vissan cũng đồng tình với kiến nghị mở thời hạn sử dụng thịt mát và chuyển sang quản lý các chỉ tiêu vi sinh an toàn để quản lý thời hạn sử dụng.

Tuy nhiên, vị này kiến nghị nên định nghĩa lại thịt mát rộng hơn là từ sau giết mổ đến vận chuyển và tiêu thụ phải đáp ứng được môi trường nhiệt độ từ 0 - 40C mới được coi là thịt mát, chứ không chỉ trong khâu giết mổ như dự thảo. Nhưng ý kiến này có một chút băn khoăn là nếu trong khâu pha lóc, đóng gói duy trì nhiệt độ 0 - 40C sẽ khó khăn cho người lao động.

Theo một số DN, trong đó có Masan Group nêu ý kiến, hiện nay có rất nhiều đơn vị NK thịt cấp đông (đông lạnh) về rồi rã đông bán dưới dạng thịt mát có được coi là thịt mát hay không, và kiến nghị Bộ NN-PTNT xây dựng tiêu chuẩn, quy trình từ thịt cấp đông chuyển sang thịt mát.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông sản, lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) Nguyễn Như Tiệp khẳng định, thịt đông lạnh rã đông rồi bán dưới dạng thịt mát không phải là thịt mát. Dự thảo TCVN thịt mát quy định rất rõ, trong suốt quá trình sau giết mổ đến pha lóc, vận chuyển, tiêu thụ thịt mát phải đáp ứng tiêu chuẩn nhiệt đô 0 - 4oC.

 Việt Nam đang trong quá trình nước rút xây dựng TCVN về thịt mát

Việt Nam đang trong quá trình nước rút xây dựng TCVN về thịt mát

Do đó, các sản phẩm thịt đông lạnh rã đông đem bán vẫn tiêu thụ như quy định bình thường, nhưng không được gắn nhãn thịt mát. Nếu cố tình lập lờ thì hành vi đó sẽ bị coi là gian lận thương mại bởi quy trình chế biến thịt mát và thịt cấp đông khác nhau hoàn toàn.

Ông Stefan Heen, chuyên gia, kỹ sư người Đức về thịt mát cho biết, thịt ấm tươi sống có thời gian sử dụng rất ngắn, việc kiểm soát các chỉ tiêu vi sinh khá khó khăn và luôn tiềm ẩn nguy cơ nếu một trong các công đoạn từ giết mổ đến vận chuyển tiêu thụ không đảm bảo vệ sinh an toàn.

Còn những lợi ích, an toàn, chất lượng của thịt mát theo ông đã được cả thế giới chứng minh và thừa nhận. Vì vậy, Việt Nam cần sớm xây dựng tiêu chuẩn thịt mát sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng về công nghệ của DN trong nước.

Còn theo ông Michael Patching, GĐ Dịch vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc, việc Việt Nam đến nay mới xây dựng tiêu chuẩn thịt mát không muộn, nhưng bắt buộc phải làm nếu không ngành chăn nuôi và giết mổ còn lạc hậu và tụt hậu nữa. Hơn nữa, đến lúc nào đó, khi nhận thức của người dân thay đổi, họ sẽ tìm đến thịt mát NK.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, sau khi rà soát các TCVN của Việt Nam, nhu cầu của DN cũng như xu hướng quốc tế, Bộ NN-PTNT giao Nafiqad xây dựng tiêu chuẩn quốc gia thịt mát để trình Bộ KH- CN ban hành trên cơ sở các kiến nghị, đóng góp của DN, chuyên gia, các cấp, ngành. TCVN về thịt mát là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi nhằm phục vụ người dân tốt hơn và hướng tới XK.

Bên cạnh xây dựng tiêu chuẩn thịt mát, theo ông Michael Patching, ngay từ bây giờ Việt Nam cần đào tạo cán bộ, chuyên gia, công nhân làm việc tại các NM giết mổ, chế biến thịt mát. Có chính sách hỗ trợ các DN muốn chuyển đổi sang SX thịt mát. Đặc biệt, để giúp thay đổi nhận thức người tiêu dùng phải truyền thông bài bản, dài hơi và đủ mạnh.

NGUYÊN HUÂN

Nongnghiep