Dự báo nửa cuối năm 2018: Xuất khẩu sẽ khó khăn nhưng vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt

Thứ bảy, 21/07/2018, 05:54 AM

Xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018 và ước tính đến năm 2019 quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán mốc 500 tỷ USD. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20/7.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê, Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, xuất nhập khẩu đạt 225 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 114, 19 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017, nhập khẩu đạt 110,83 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017), thặng dư thương mại đạt 3,36 tỷ USD. Ước tính đến ngày 20/7 thì xuất nhập khẩu đạt 250 tỷ USD.

 Ông Nguyễn  Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê, Tổng cục Hải quan cập nhật thông tin xuất nhập khẩu tại hội thảo

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Thống kê hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê, Tổng cục Hải quan cập nhật thông tin xuất nhập khẩu tại hội thảo

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, với mức tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm công với thông lệ là tăng trưởng xuất nhập khẩu nửa cuối năm luôn cao hơn nửa đầu năm, khả năng quy mô xuất nhập khẩu cả năm 2018 của Việt Nam sẽ đạt 475 -477 tỷ USD, trong đó mức thặng dư thương mại có thể đạt từ 4,5 -5 tỷ USD, và tới năm 2019 quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chạm mốc 500 tỷ USD.

Theo phân tích của Tổng Cục Hải quan thì cơ cấu  mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 không thay đổi nhiều so với năm 2017, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục là điện thoại, linh kiện điện tử (ước tính xuất khẩu đạt 57 tỷ USD), dệt may (mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD), da giày, túi xách (xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD), nông - lâm -thủy sản, đồ gỗ….Song song đó, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Ước tính có tới 77% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguyên liệu  đầu vào nhập khẩu và các doanh nghiệp FDI tiếp tục là động lực chính trong mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, Việt Nam hiện xuất khẩu tới hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 27 thị trường có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và 10 thị trường lớn nhất chiếm tới 88% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là EU và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng góp mặt trong nhóm năm thị trường xuất khẩu chủ lực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng mức độ tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay và thời gian tới có nhiều tín hiệu tích cực một phần là do động lực tăng trưởng từ năm 2017. Thêm vào đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang có sự dịch chuyển từ các ngành khai thác sang các ngành chế biến, chế tạo giúp nâng cao hàm lượng giá trị và duy trì được sự tăng trưởng bền vững. Mặt khác việc cạnh tranh ngày càng khóc liệt giữa các nền kinh tế cũng tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận các thị trường ngách để đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo

Mặc dù có nhiều tiềm năng để tiếp tục tăng trưởng nhưng Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tập trung cao vào các doanh nghiệp FDI, giá trị thặng dư thương mại còn nhỏ và chưa bền vững. Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về chính sách và thị trường xuất khẩu, đối thủ cạnh tranh, khách hàng tiềm năng…Hơn nữa, chi phí sản xuất và dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu vẫn còn cao khiến doanh nghiệp nhỏ khó vươn mình ra thị trường quốc tế.

Theo Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, để nâng cao giá trị xuất khẩu và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào lĩnh vực xuất nhập khẩu cần phải làm tốt công tác dự báo thị trường. Đồng thời, phải giải quyết các thách thức từ việc thay đổi chính sách thương mại của các đối tác thương mại lớn. Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên cập nhật các xu hướng thương mại , đồng thời đưa ra các dự báo và tư vấn doanh nghiệp trong việc lập chiến lược phát triển phù hợp với từng giai đoạn, với từng thị trường.

Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc hội thảo

Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc hội thảo

Về phía các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư khoa học công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường để phát triển bền vững.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer