Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024

Thứ bảy, 30/12/2023, 11:26 AM

Hãng tin Al Jazeera nhận định chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá dầu và kinh tế Trung Quốc sẽ quyết định tình hình kinh tế toàn cầu năm tới.

Kinh tế toàn cầu năm 2023 không tồi tệ như dự báo của giới phân tích, đặc biệt lạm phát hạ nhiệt mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa khó khăn đã qua đi.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ trì trệ vì lãi suất cao giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng cũng kiềm hãm hoạt động kinh tế. Tốc độ tăng trưởng sẽ không tăng cho đến năm 2025 – thời điểm các ngân hàng trung ương hàng đầu dự kiến cắt giảm mạnh chi phí vay. Có thể GDP năm tới chỉ tăng 2,7% – giảm nhẹ so với mức 2,9% năm nay.

Không loại trừ khả năng dự báo không chính xác. Năm nay Mỹ gây bất ngờ khi thoát khỏi nguy cơ suy thoái, vỡ nợ cũng chẳng lan rộng ở các quốc gia vay nợ nhiều như giới phân tích cảnh báo trước đó. Mức suy giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023 ở ngưỡng chấp nhận được bất chấp xung đột Israel - Hamas nổ ra.

Chính sách lãi suất của Fed

Nhằm kéo giảm lạm phát, Fed tăng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0 vào tháng 3 năm ngoái lên đến 5,25 - 5,5% hiện tại. Thực tế chứng minh kinh tế Mỹ chịu nổi chi phí vay cao.

Lạm phát đã hạ nhiệt đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ngạc nhiên hơn là Mỹ đạt tăng trưởng 2%.

Chuyên gia kinh tế Raphael Olszyna-Marzys (ngân hàng J Safra Sarasin) đánh giá Fed đang đi đúng hướng trong nỗ lực ngăn suy thoái và đạt lạm phát mục tiêu, tuy nhiên ông lưu ý một số vấn đề bắt đầu lộ rõ: tỷ lệ thất nghiệp gia tăng dần và người dân có ít tiền kiệm hơn. Loạt vấn đề này làm tăng nhu cầu vay nợ qua đó khiến rủi ro tài chính tăng lên do lãi suất cao.

Theo chuyên gia Olszyna-Marzys, lạm phát giảm cùng tăng trưởng yếu đi sẽ quyết định thời điểm Fed đảo ngược chính sách.

Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch xác định khả năng Fed cắt giảm lãi suất ở cuộc họp tháng 3 tới vào khoảng 76%. Chuyên gia chuyên gia Olszyna-Marzys lại cho rằng quyết định cắt giảm chỉ đến trong nửa cuối năm sau khi suy thoái xảy ra, ông dự báo lãi suất năm 2024 giảm 1% – giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và khuyến khích đầu tư vào các thị trường mới nổi, khiến GDP toàn cầu tăng thêm 1%.

Ông còn chỉ ra nỗ lực giữ lãi suất ổn định sẽ phản tác dụng: “Một cú sốc bên ngoài chẳng hạn như giá dầu tăng vọt bất ngờ có thể đẩy lạm phát lên cao trở lại và buộc Fed giữ nguyên hay thậm chí tăn lãi suất. Nhưng làm vậy đe dọa đến tăng trưởng kinh tế Mỹ lẫn kinh tế toàn cầu”.

Giá dầu

Ngay sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, Ngân hàng Thế giới (WB) lập tức cảnh báo nguy cơ giá dầu thô Brent tăng vọt nếu chiến sự lan ra khắp Trung Đông nơi có nhiều quốc gia là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

WB dự báo kịch bản xấu nhất là nguồn cung toàn cầu giảm 6 - 8 triệu thùng/ngày đẩy giá lên đến 140 - 157 USD/thùng. Nguồn cung giảm ít hơn cũng khiến giá dầu lên khoảng 102 - 121 USD/thùng.

Đến nay thị trường dầu mỏ vẫn chưa bị căng thẳng tại Trung Đông ảnh hưởng nhiều. Dù thời gian gần đây nhóm Houthi ở Yemen tấn công tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ, dầu thô Brent vẫn giảm từ 92,4 USD/thùng (tháng 10) xuống còn chưa tới 79 USD/thùng.

2

Có một số nguyên nhân kiềm giữ giá dầu. Thứ nhất tình hình kinh tế toàn cầu hiện tại tốt hơn thời kỳ cấm vận dầu mỏ năm 1973 khi giá tăng vọt, ngày nay Trung Đông chỉ chiếm 30% nguồn cung thế giới chưa không còn là 37% như 50 năm trước. Thứ hai nguồn cung từ Mỹ vài thập niên qua đã dồi dào hơn. Ngoài ra hoạt động kinh tế ngày nay tiết kiệm nhiên liệu hơn, năng lượng tái tạo đủ sức đáp ứng một phần.

Chuyên gia WB John Baffes cho biết năm ngoái nhiều thương nhân bị thiệt hại nặng vì đánh quá quá cao tình trạng gián đoạn nguồn cung do cuộc chiến Ukraine gây ra, vì vậy giờ đây họ muốn chờ xem xung đột Israel - Hamas đem đến rủi ro cụ thể gì rồi mới ra quyết định.

Cũng theo ông, dù giá dầu Brent có tăng thêm 20 USD do căng thẳng tại Trung Đông (theo kịch bản nguồn cung giảm ít) thì kinh tế toàn cầu cũng thiệt hại trong khoảng 0,1% GDP mà thôi.

Kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc được kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ sau khi từ bỏ chính sách chống dịch nghiêm ngặt, thế nhưng tăng trưởng của nước này lại vô cùng mong manh và sản lượng kinh tế ở mức thấp vì ngành bất động sản suy yếu.

Từ năm 2020, bất động sản - lĩnh vực chiếm 23% GDP Trung Quốc - bị hạn chế vay vốn nên ba năm qua tình hình ngành vô cùng khó khăn. Theo chuyên gia kinh tế Sheana Yue (công ty tư vấn Capital Economics): “Bất động sản đang là gánh nặng đối với quá trình hồi phục. Người tiêu dùng vẫn nghi ngại ngành này. Sau khi chính phủ tiến hành chấn chỉnh, hàng loạt dự án không được xây dựng vì các doanh nghiệp phá sản”.

Tổ chức xếp hạng Moody's vừa hạ tín nhiệm A1 của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” với lý do tăng trưởng trong trung hạn có rủi ro ở mức thấp, lĩnh vực bất động sản tiếp tục thu hẹp.

3

Ngành bất động sản suy yếu ảnh hưởng đến tình hình tài chính của chính quyền các địa phương. Lâu nay họ dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng sau nhiều thập kỷ đô thị hóa thì nhu cầu dần giảm bớt. Nguồn thu từ đất cũng giảm.

Địa phương thâm hụt ngân sách buộc chính phủ trung ương phải hỗ trợ. Sự hỗ trợ giúp giữ ổn định nền kinh tế.

Giới chuyên gia kinh tế thường xem nhu cầu vay vốn như thước đo cho phục hồi kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng tín dụng chậm thường gắn liền với suy thoái, vì khi kinh tế khó khăn người tiêu dùng cùng doanh nghiệp sẽ không vay vốn mà tập trung tiết kiệm.

Chuyên gia Yue dự báo tốc độ mở rộng tín dụng có thể giảm từ 10% năm nay xuống 8% năm tới, buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải triển khai thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế nữa.

Theo 1thegioi.vn

largeer