Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Chưa cắt điện, nước những hộ dân còn 'bám trụ' tuyến đường đắt nhất Việt Nam

Thứ sáu, 28/03/2025 16:52 (GMT+7)

Chính quyền TP Hà Nội thông báo sẽ cắt điện, nước những hộ dân chưa đồng ý GPMB tại tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện.

Được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2017, dự án có chiều dài 2,2km, kéo dài từ nút giao Hoàng Cầu (quận Đống Đa) đến nút giao Voi Phục (quận Ba Đình). Mặc dù có chiều dài ngắn so với nhiều dự án giao thông khác, nhưng tổng mức đầu tư của dự án lại lên đến gần 7.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng lại chiếm phần lớn, lên tới gần 6.000 tỷ đồng, được cho là tuyến  đường có chi phí giải phóng mặt bằng đắt nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, dù đã được phê duyệt và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, dự án vẫn chưa thể triển khai như kế hoạch. Vướng mắc chính là công tác GPMB, khi một số hộ dân không phối hợp trong việc đo đạc, kiểm đếm tài sản, và còn tồn tại những vấn đề liên quan đến đền bù. Một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Trước đó, vấn đề GPMB dự án này đã được các đại biểu HĐND TP Hà Nội đưa ra chất vấn trong kỳ họp thứ 20, ngày 11/12/2024. Theo ông Đồng Phước An, Giám đốc Ban Quản lý các công trình dân dụng TP Hà Nội, tiến độ dự án chưa đáp ứng được yêu cầu. Những khó khăn trong công tác GPMB vẫn đang là một thách thức lớn, đặc biệt là khi có các hộ dân chưa đồng thuận về phương án đền bù hoặc chưa chuyển đi.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chính quyền đã lên kế hoạch ngừng cung cấp các dịch vụ điện và nước đối với các hộ dân chưa di dời. Cụ thể, 55 hộ dân tại các phường Thành Công, Ngọc Khánh và Giảng Võ sẽ bị ngừng cấp điện và nước từ ngày 27/3/2025. Đây là một biện pháp mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng nhanh chóng, đồng thời thúc đẩy tiến độ thi công của dự án.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn lo lắng về phương án đền bù và tái định cư. Chị Hoàng Hữu Lý (phường Láng Hạ, Đống Đa) chia sẻ: "Nhà tôi được đền bù một căn hộ tái định cư tại Đại Kim, nhưng gia đình tôi vẫn phải bù thêm hơn 1 tỷ đồng cho chủ đầu tư. Điều này khiến tôi lo lắng không biết làm thế nào để xoay sở số tiền này. Hiện chỉ có nhà tái định cư Nam Trung Yên hỗ trợ vay số tiền còn thiếu, còn Đại Kim chưa thấy thông tin gì".
Ông Vũ Văn Trường (Ngọc Khánh, Hà Nội) cho biết: "Chính quyền phường đã tuyên truyền và thông báo trên Zalo, những hộ chưa chịu chuyển đi sẽ bị cắt điện, cắt nước. Tuy nhiên, tôi thấy phần lớn người dân đã nhận đền bù và chuyển đi. Những nhà chưa chuyển đi có thể do nhiều lý do khác. Mặc dù có thông báo như vậy, nhưng đến nay tôi vẫn chưa thấy ai bảo bị cắt điện, cắt nước cả".
Đây là một tín hiệu tích cực, hy vọng sẽ giúp dự án được hoàn thành, khép kín tuyến đường Vành đai 1 và giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các khu vực như phố Đê La Thành, nơi ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm.
Dự án đường Vành đai 1 là một phần trong quy hoạch giao thông của Hà Nội, góp phần vào việc giảm ùn tắc và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. Tuyến đường này cũng sẽ là một trong những tuyến quan trọng trong mạng lưới 7 tuyến vành đai của thủ đô, dự kiến sẽ hoàn thành trong tầm nhìn đến năm 2050.
Tùng Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn