Đồng đô la Mỹ “nhảy dựng”: Hàng hóa có “tát nước theo mưa”?
Không lâu sau khi giá điện và giá xăng đồng loạt tăng mạnh, đồng đô la Mỹ cùng “nhảy dựng” bất ngờ. Sức nóng của đồng USD xuất hiện đúng vào thời điểm thị trường chuẩn bị thiết lập mặt bằng giá mới, nên người tiêu dùng lo lắng hàng hóa có thể sẽ “tát nước theo mưa”!
Giá USD tăng giật cục
Nhờ các chính sách đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước, suốt thời gian dài qua, thị trường tiền tệ tương đối định. Đồng USD hiếm khi khiến nhà đầu tư sôi sục như trước đây. Thỉnh thoảng đồng bạc xanh mới “nhảy dựng” nhưng thời gian biến động giá mạnh khá ngắn ngủi.
Trong nửa tháng trở lại đây, đồng USD có 2 đợt tăng giật cục. Đợt 1 diễn ra trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Cụ thể, sau chuỗi ngày đứng im, tới 24/4, đồng USD tăng khoảng 25 đồng lên mức phổ biến 23.190-23.290 đồng/USD (mua vào - bán ra). Hai phiên sau đó, đồng bạc xanh vẫn “nóng lên” và chốt tháng Tư ở mức 23.230-23.330 đồng/USD. Như vậy, sau đợt tăng ngắn ngày này, USD có thêm 65 đồng/USD.
Sau 1 tuần “nghỉ ngơi”, USD lại bước vào giai đoạn tăng mới với mức tăng đột biến. Vào ngày 7/5, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gây sốc khi điều chỉnh tỷ giá tăng 60 đồng/USD. Cuối ngày, đồng USD được niêm yết ở mức: 23.275-23.395 đồng/USD.
Trong khi đó, tỷ giá tại nhiều ngân hàng khác thậm chí còn “nóng” hơn ở Vietcombank khi giá bán ra vượt 23.400 đồng/USD. Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), USD niêm yết ở mức: 23.550-23.410 đồng/USD. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ giá giao dịch ở mức: 23.310- 23.410 đồng/USD.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thậm chí bán ra với mức giá 23.415 đồng/USD. Còn giá mua vào tại ngân hàng này là 23.295 đồng/USD. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giao dịch ở mức: 23.300-23.420 đồng/USD.
USD chỉ “nóng” trong hệ thống ngân hàng. Còn tại thị trường tự do, tỷ giá niêm yết ở mức thấp hơn tại Vietcombank hay BIDV khá nhiều. Trên “phố vàng” Hà Trung, Hàng Bạc (Hoàn Kiếm - Hà Nội), USD giao dịch phổ biến ở mức: 23.330-23.338 đồng/USD, không biến động quá nhiều.
Không ảnh hưởng quá nhiều đến hàng hóa
Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, TS. tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết cung cầu thị trường chỉ là nguyên nhân nhỏ khiến giá USD tăng giật cục trong mấy ngày gần đây vì đây không phải thời gian cao điểm nhập khẩu hàng hóa. Thông thường, cuối năm các nhà nhập khẩu mới mạnh tay mua hàng từ nước ngoài. Vì vậy, áp lực từ hoạt động nhập khẩu là không lớn.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân chính “làm nóng” thị trường ngoại tệ chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang được đẩy lên cao trào. Cuộc chiến này không những không được giải quyết mà còn trở nên trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu từ lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc lên 25%.
Lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, trên thị trường ngoại tệ xuất hiện hiện tượng nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào USD vì USD là ngoại tệ mạnh số 1 thế giới. Điều này làm tăng giá trị USD và đẩy giá đồng bạc xanh. Thế nên, ông Hiếu khẳng định đợt tăng này chủ yếu đến từ tâm lý nhà đầu tư.
“Đây cũng chỉ là tác động nhất thời và chưa ai biết được kết quả cho đến ngày 15/5. Phải tới ngày đó, chúng ta mới biết được Mỹ có thực sự tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên 25% như ông Donald Trump tuyên bố hay không” - ông Hiếu bình luận.
Vì vậy, ông Hiếu cho rằng từ bây giờ đến giữa tháng 5, đồng USD sẽ vẫn có nhiều biến động mạnh theo xu hướng đi lên là chủ yếu. Nếu Mỹ quyết định tăng thuế cao sẽ tạo khủng hoảng thương mại toàn cầu, nó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của kinh tế thế giới. Lúc đó, nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ phản ứng lại bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ để bù trừ cho những thiệt hại của việc tăng thuế.
Còn ngược lại, nếu hai bên tìm được tiếng nói chung, căng thẳng được giải quyết, tình hình thế giới ổn định hơn, áp lực lên tỷ giá sẽ hạ nhiệt. Và chúng ta sẽ chờ đợi những tín hiệu giữa Mỹ và Trung vào ngày 15/5.
Trong khi chờ đến ngày 15/5, chắc chắn thị trường Việt Nam vẫn chứng kiến đà tăng của đồng bạc xanh. USD “nóng” lên đúng thời điểm giá điện và giá xăng vừa “bắt tay nhau” tăng mạnh nên người tiêu dùng lo sợ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu sẽ “tát nước theo mưa”.
Bình luận về vấn đề này, ông Hiếu cho biết khi tỷ giá tăng, các nhà nhập khẩu chắc chắn sẽ phải chi nhiều tiền đồng hơn để mua về lượng hàng hóa y hệt như cũ. Vì vậy, giá bán ra sẽ bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không lớn và không lâu dài” - ông Hiếu khẳng định.
Vy Vy
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường