Đóng cửa nhiều nhà máy chế biến điều xuất khẩu vì thiếu nguyên liệu
Nhiều nhà máy chế biến hạt điều Việt Nam, chủ yếu là các nhà máy quy mô nhỏ tại Long An, Bình Phước phải ngừng hoạt động, đóng cửa vì không còn nguyên liệu điều thô để chế biến nhân điều xuất khẩu.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, tại Long An đã có 12/33 doanh nghiệp chế biến hạt điều đóng cửa sản xuất. Ở thủ phủ ngành điều Việt Nam là Bình Phước, số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động lên tới 70%-80%, một số địa phương khác hàng loạt nhà máy chế biến hạt điều cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngoài những nhà máy chế biến hạt điều quy mô công suất nhỏ phải đóng cửa, một số doanh nghiệp lớn dù đang hoạt động nhưng công suất cũng không lớn vì hạn chế về nguồn cung nguyên liệu điều.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu hạt điều trong tháng 5/2018 tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 35.000 tấn, trị giá 330 triệu USD tăng 8,8% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với tháng 4/2018, tăng 0,6% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 5/2017.
Như vậy, sau 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 141.000 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 25,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Tháng 5/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều ước đạt 9.429 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 4/2018 và giảm 5,3% so với tháng 5/2017.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều đạt khoảng 9.867 USD/tấn, tăng 3,2% so với 5 tháng đầu năm 2017.
Quy mô, năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành điều nước ta còn bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, cả nước hiện có 1.000 cơ sở chế biến hạt điều, công suất chế biến 1 triệu tấn sản phẩm/năm và gần 400 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều, trong đó lượng doanh nghiệp có kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm chiếm 73%.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017 xuất khẩu điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 23,8% về kim ngạch, nhưng nếu tính cả các sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều, cardanol...), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, năm 2017, ngành điều cũng phải chi tới 2,53 tỷ USD để nhập khẩu điều nguyên liệu kim với ngạch đạt khoảng 2,53 tỷ USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 52,8% về trị giá so với năm 2016.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều (chiếm 28% lượng điều thô chế biến và trên 50% lượng hạt điều xuất khẩu toàn cầu), nhưng, do thiếu hụt nguồn nguyên liệu điều, nên giá trị gia tăng thấp, xuất nhiều thì chi nhập khẩu cũng tăng mạnh.
Tại một cuộc họp diễn ra cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong vòng 30 năm qua, điều là cây công nghiệp duy nhất giảm diện tích, từ 440.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn hơn 300.000 ha.
Diện tích trồng điều bị thu hẹp, cùng với thời tiết khô hạn kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung.
Theo tính toán, nhu cầu điều thô phục vụ chế biến xuất khẩu của các nhà máy chế biến điều trong nước từ 1,3 - 1,5 triệu tấn, trong khi sản lượng điều thô trong nước ổn định ở mức khoảng 500.000 tấn. Do vậy hàng năm, ngành điều Việt Nam cần nhập khẩu từ 800.000 đến khoảng 1 triệu tấn để phục vụ chế biến xuất khẩu
Trong năm 2017, thặng dư thương mại trong ngành điều chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD. Chi nhâp khẩu điều tăng mạnh đã được dự báo từ trước, dù vậy, do phụ thuộc lớn vào nguồn điều nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng khi giá điều nhập khẩu biến động.
Thế Hải
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở