Dồi dào hàng Tết

Thứ ba, 28/11/2017, 12:27 PM

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị bán lẻ trên cả nước chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và cam kết thực hiện bình ổn giá trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết.

Dự trữ hàng hóa tăng 10-15%

Theo Sở Công thương Hà Nội, diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng mạnh, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, như bánh, mứt, kẹo, các loại hạt khô, bia, rượu, nước giải khát, nông - lâm sản... Để bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân, Sở đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa tăng hơn hẳn so với dịp Tết Nguyên đán năm 2017.

Các đơn vị đã sẵn sàng để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Ảnh: Sơn Hà

Các đơn vị đã sẵn sàng để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Ảnh: Sơn Hà

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống đã chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, gồm: 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm, 12.000 tấn thực phẩm chế biến, 12.000 tấn thủy hải sản, khoảng 3.500 tấn nông - lâm sản khô, 220.000 tấn rau, củ, quả các loại, 3.000 tấn bánh, mứt, kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 120.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy...

Để người tiêu dùng mua được hàng bảo đảm chất lượng, thành phố sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 125 siêu thị, hơn 600 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh, 22 trung tâm thương mại, 454 chợ và hơn 50 chuỗi cửa hàng kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Đặc biệt, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bình ổn giá dịp Tết, thành phố sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý.

Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất 2018. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ các mặt hàng thiết yếu, như thịt bò, gà, lợn, trứng, thủy hải sản... với tổng trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2016); phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Hapro cùng 22 phiên chợ hàng Việt Nam và 100 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. Hapro chọn khai thác nguồn hàng của các nhà cung cấp uy tín trên thị trường; ưu tiên những mặt hàng do các đơn vị thành viên trong chuỗi liên kết trực tiếp sản xuất, như thịt gia súc, gia cầm các loại, thực phẩm chế biến đóng hộp, thịt nguội, giò, chả, bánh chưng, rượu, xúc xích, nem các loại... Hệ thống bán lẻ của Hapro sẽ mở cửa đến 22h ngày 29 Tết; ngày 30 Tết, tùy theo nhu cầu của người dân, sẽ tổ chức 10 địa điểm bán hàng qua Giao thừa và trong ngày mùng 1, mùng 2 Tết. Ðến mùng 4 Tết, toàn bộ hệ thống cửa hàng sẽ mở cửa phục vụ.

Fivimart dự kiến lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với năm ngoái, với trị giá gần 300 tỷ đồng. Hệ thống siêu thị Big C cũng sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá cả, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt. Riêng thịt gia súc, gia cầm tươi sống được siêu thị chuẩn bị với số lượng 400-500 tấn.

Để phục vụ Tết Nguyên đán, Công ty Vinmart đã lên kế hoạch và dự trữ hàng hóa giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Với hơn 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 trung tâm thương mại, siêu thị, Công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt bán hàng không lợi nhuận trong hệ thống Vinmart.

Theo Sở Công thương Hà Nội, để kịp thời điều tiết hàng hóa, Sở phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các ban, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với việc bảo đảm nguồn hàng phục vụ Tết, Sở Công thương cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng trái phép; giám sát các lò mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như tình trạng đầu cơ găm hàng, đẩy giá lên cao trong dịp Tết.

Theo Thanh Hiền - HNM