Doanh nghiệp vận tải trên đầu sóng 4.0
Từ chiếc đầu máy hơi nước đầu tiên được chế tạo ở Anh vào đầu thế kỷ XIX đến những chiếc máy bay Boeing hiện đại không người lái, ngành giao thông luôn đứng trên ngọn sóng của các cuộc cách mạng công nghiệp.
Hiện ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 hỗ trợ kết nối, thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng...
Doanh nghiệp tư nhân tiên phong
Tại Hội thảo về "Cách mạng 4.0: Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng và dũng cảm từ bỏ mô hình cũ để đi vào Cách mạng 4.0, nhằm thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng".
Đáp lời hiệu triệu của Thủ tướng, hàng loạt hãng vận tải đã tiên phong dịch chuyển từ một nhà vận tải truyền thống sang nhà vận tải công nghệ, phát triển du lịch thông minh.
Từ thành công của hãng xe Interbus Lines, tuyến vận tải Hà Nội - Sapa, ông Nguyễn Thanh Tùng chủ tịch hội đồng quản trị Cty cho biết: Interbuslines đã ứng dụng triệt để CNTT vào công tác quản lý điều hành nhà xe và thu được những kết quả rất tích cực, giảm được chi phí và tăng doanh thu từ 10% đến 20%. Hiện khách Inter Bus Line có thể chủ động vào đặt chỗ, đặt giờ khởi hành, số ghế trống, số ghế đã đặt và tích hợp trên mọi hệ điều hành. “Các cơ quan quản lý từ thuế, quản lý vận tải, CSGT đều có thể trích xuất dữ liệu, thậm chí là thu thuế điện tử trực tiếp trên hệ thống. Chúng tôi có 100 chuyến vận chuyển mỗi ngày thì dữ liệu tự động báo về cơ quan quản lý, do đó sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều khi được số hóa. Do đó, điều cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là cơ quan quản lý cần đổi mới, sớm ứng dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong quản lý. Nếu không tự đổi mới, không đầu tư bằng chất lượng phương tiện, dịch vụ và hiện nay bằng công nghệ thì chúng tôi không thể cạnh tranh và tồn tại ở thời buổi công nghệ như hiện nay”, ông Tùng nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên), ngoài việc xây dựng phần mềm đặt vé thông minh, xác định tiêu chí an toàn trên mỗi hành trình làm kim chỉ nam cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp đã áp dụng những phần mềm quản lý vận tải hiện đại cũng như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ hệ thống xe vận hành.
Tương tự, hãng vận tải Mai Linh đang từng bước chuyển mình để phù hợp với xu thế hội nhập, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Mai Linh triển khai ứng dụng Mai Linh Online trong điều và gọi xe taxi, để đem lại tiện ích cho khách hàng và phục vụ tốt hơn nữa với mọi loại hình vận chuyển trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Đứng im cũng sẽ bị xô ngã
Ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, ngành GTVT Việt Nam đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hành khách thời nay sẵn sàng bỏ thêm tiền vé nhưng đòi hỏi phương tiện phải hiện đại, thoải mái, an toàn, thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bởi thế, các doanh nghiệp vận tải phải luôn cố gắng để đáp ứng tối đa, tạo sự thoải mái, tin tưởng cho khách hàng. Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải nắm bắt xu hướng và hoàn thiện mình theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh doanh, nâng cao chất lượng phương tiện và dịch vụ đi kèm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đặt vận tải truyền thống vào thế tiến thoái lưỡng nan: Đổi mới hay là chết? Theo nguyên lý thị trường, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi cho bên mua thì dịch vụ đó được đón nhận. Taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định vốn nhiều “điều tiếng”, lại chậm đổi mới phương thức kinh doanh nên đã và đang gặp nhiều khó khăn trước sự xâm lấn của vận tải công nghệ.
Đồng quan điểm, ông Phan Bá Mạnh CEO của Công ty Công Nghệ An Vui đơn vị cung cấp giải pháp quản lý và điều hành nhà xe cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi rất lớn về phương pháp cạnh tranh. Lúc này là lúc nhanh thắng chậm chứ không còn là mạnh thắng yếu. Doanh nghiệp nào tiếp cận công nghệ nhanh và liên tục thay đổi cải tiến dịch vụ thì doanh nghiệp đó sẽ chiếm được ưu thế. “Cuộc đua ứng dụng công nghệ đang nóng lên hơn bao giờ hết, các nhà vận tải phải coi đó là một cơ hội để ứng dụng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị phần” Những nhà xe lớn như Interbus Lines, Mai Linh, Xe khách Bắc Giang... là những đơn vị đang đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành và đã thành công”, ông Mạnh nói.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông - Vận tải), ngành giao thông - vận tải của Việt Nam đang nằm trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0. "Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, dự báo đến năm 2025, sẽ có 21 điểm bùng nổ là những biến đổi công nghệ cụ thể có thể định hình thế giới kỹ thuật số và siêu kết nối", ông Hà cho biết.
Trong đó, có thể kể đến những thay đổi mạnh mẽ liên quan đến ngành, như 84,1% khả năng có thể xảy ra là chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; 79% khả năng có thể xảy ra là có 10% tổng lượng xe hơi lưu thông trên toàn cầu là xe không người lái; 67% khả năng có thể xảy ra là các chuyến đi du lịch/công tác trên toàn cầu thực hiện thông qua việc chia sẻ phương tiện nhiều hơn so với dùng xe riêng…
Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng nhìn nhận, Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế kết nối của toàn cầu, Việt Nam không thể đứng im, mà "nếu có đứng im thì cũng sẽ bị xô ngã". "Chúng ta không thể đứng một chỗ. Ra biển mà không biết ‘nhảy sóng’ thì sẽ bị xô ngã. Giao thông là phần vô cùng quan trọng của cuộc cách mạng trong nền kinh tế, nên phải di chuyển, không thể đứng im", Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế kết nối của toàn cầu, Việt Nam không thể đứng im, mà "nếu có đứng im thì cũng sẽ bị xô ngã". Chúng ta không thể đứng một chỗ. Ra biển mà không biết ‘nhảy sóng’ thì sẽ bị xô ngã. Giao thông là phần vô cùng quan trọng của cuộc cách mạng trong nền kinh tế, nên phải di chuyển, không thể đứng im".
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
PV
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở