Doanh nghiệp vận tải kêu khó khi chạy theo xét nghiệm
Để phòng chống dịch, nhiều địa phương đã đặt ra các quy định, yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 khác nhau, gây khó cho vận chuyển hàng hoá.
Sáng 23/9, gần 1 tuần sau kiến nghị đến Quảng Ninh than khó về quy định xét nghiệm Covid-19 với lái xe chở hàng qua cửa khẩu Móng Cái, ông Trần Đức Nghĩa, Trưởng ban công tác hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết chưa có chuyển biến tích cực.
Hiện lái xe nơi khác muốn chở hàng đến cửa khẩu Móng Cái phải xét nghiệm Covid-19 ba lần. Theo quy định của Quảng Ninh, lái xe phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 giá trị trong 48 giờ từ thời điểm lấy mẫu. Khi đến cửa ngõ TP Móng Cái, tài xế tiếp tục phải làm xét nghiệm nhanh. Và khi rời khỏi cửa khẩu, các tài xế phải xét nghiệm PCR lần cuối.
Ông Trần Văn Hào, Giám đốc Công ty vận tải Thái Việt Trung chuyên vận chuyển linh kiện điện tử, cho rằng quy định như vậy rất phức tạp. Móng Cái là một trong hai địa điểm vận chuyển hàng chủ yếu của doanh nghiệp, bên cạnh cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ông mô tả, để đưa hàng từ Lạng Sơn về Móng Cái, doanh nghiệp sẽ phải xét nghiệm PCR tại Lạng Sơn. Nơi này này chỉ có một điểm lấy mẫu, làm từ 8h-11h sáng và trả kết quả vào khoảng 15-16h ngày hôm sau.
"Như vậy, để có được 'giấy thông hành', có khi chúng tôi mất đến 30 tiếng, chỉ còn 18 tiếng để về chạy xe về Quảng Ninh", ông Hào nói. Quãng thời gian này theo ông là rất rủi ro vì nếu gặp trục trặc trên đường, doanh nghiệp sẽ không kịp hạn hiệu lực của xét nghiệm. Do vậy, họ buộc phải căn chỉnh thời gian rất cẩn trọng để không lỡ hàng hoá.
Tuy nhiên điểm vô lý theo doanh nghiệp chính là việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm PCR trước khi rời cửa khẩu Móng Cái. Ông Hào cho biết, các doanh nghiệp thường chỉ mất nhiều nhất là 2 tiếng cho hoạt động bốc dỡ, giao nhận hàng, nhưng phải mất đến 6-10 tiếng chờ kết quả "test Covid-19". Việc lưu lại nhiều giờ ở cửa khẩu khiến các doanh nghiệp bị tăng chi phí, đồng thời, gây rủi ro lớn về lây nhiễm bệnh dịch.
Trong gần 2 tháng khi bị vướng các quy định này, phía Thái Việt Trung cho biết, cứ 3 ngày lái xe mới hoàn thành một chuyến xe; chi phí phát sinh thêm trên mỗi chuyến là 600.000 tới một triệu đồng tiền xét nghiệm, khiến doanh nghiệp thiệt hại 30-50 triệu đồng mỗi ngày; tâm lý lái xe mất ổn định, mệt mỏi vì phải "chọc mũi" quá nhiều.
Qua trao đổi với UBND tỉnh Quảng Ninh, VLA được giải thích rằng việc xét nghiệm để ngăn nguy cơ Trung Quốc đóng cửa khẩu. Trước đó, ngày 15-21/9, nước này đã tạm dừng nhập khẩu thanh long đi qua cửa khẩu Móng Cái do phát hiện nCoV trên bao bì bọc hoa quả. Trung Quốc gần đây cũng liên tục đưa ra động thái siết nhập khẩu, kiểm dịch hàng Việt Nam.
Không chỉ gặp khó ở Quảng Ninh, các doanh nghiệp vận tải cho biết, nhiều địa phương khác cũng thắt chặt việc ra vào thông qua xét nghiệm Covid-19. Yêu cầu của các địa phương cũng khác nhau, tuỳ vào quan điểm chống dịch.
Theo ghi nhận của VLA, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngoài yêu cầu giấy xét nghiệm PCR âm tính còn giá trị trong 72 giờ bắt buộc lái xe phải test nhanh. Lạng Sơn cũng yêu cầu tương tự.
Hưng Yên lại yêu cầu giấy xét nghiệm PCR nhưng thời hạn chỉ trong 48 giờ. Hải Phòng có lúc quy định lái xe phải làm xét nghiệm PCR ở tỉnh khác mới được vào, còn giấy làm tại Hải Phòng không có hiệu lực. Nhưng có tỉnh lại bắt buộc xét nghiệm PCR phải thực hiện trên địa bàn.
Sự không đồng nhất còn được thể hiện ở quy định cách ly của mỗi địa phương. Doanh nghiệp cho biết từng có trường hợp nhân viên F1 bị cách ly lâu hơn cả F0. Cụ thể, hai người này đi công tác và bị nhiễm bệnh. Người F0 tổng thời gian chữa trị và cách ly mất 30 ngày. Người đồng nghiệp đi cùng là F1 sau khi cách ly 15 ngày thì được cho về quê. Tại đây, anh này tiếp tục bị bắt đi cách ly tập trung 15 ngày, cách ly tại nhà 15 ngày, tổng cộng 45 ngày cách ly.
"Mỗi tỉnh đưa ra quy định, cách tiếp cận và dựa theo quan điểm chống dịch của họ", ông Nghĩa chia sẻ. Theo ông, một vấn đề mà bắt doanh nghiệp, hiệp hội phải làm việc với từng địa phương thì với hơn 60 tỉnh thành, họ sẽ không có đủ nguồn lực thực hiện.
Theo ông Hào, sau các văn bản của Chính phủ, Bộ ngành về gỡ khó giao thông hàng hoá, các địa phương càng làm chặt hơn. "Bộ Giao thông Vận tải nêu đích danh Quảng Ninh trong 8 tỉnh phát sinh giấy phép con, làm khó lưu thông hàng hoá nhưng mọi thứ vẫn vậy", ông nói.
Yêu cầu giữ giao thông thông suốt thực tế đã được lãnh đạo Chính phủ đề cập nhiều lần. Cách đây vài ngày, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng phát sinh nhiều quy định, giấy phép con gây khó người dân, doanh nghiệp trong lưu thông hàng hoá.
VLA cho biết, các kiến nghị giai đoạn sau này của hội và các doanh nghiệp, tập trung vào mong muốn duy nhất là các quy định được Chính phủ được địa phương thực hiện. Nhưng đến nay, thế khó vẫn hoàn khó.
Phương Ánh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở