Doanh nghiệp nước ngoài mong chuỗi cung ứng không bị đứt gãy

Thứ sáu, 20/08/2021, 18:54 PM

"Chúng tôi không xin giảm thuế hay giãn nợ vì nhà nước cũng đang gặp khó khăn về ngân sách nhưng mong muốn chuỗi cung ứng nội địa không bị phá vỡ, để bảo đảm hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp"...

Đây là ý kiến của đại diện Công ty Datalogic Việt Nam tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP HCM, diễn ra ngày 20-8.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và các lãnh đạo UBND TP HCM, lãnh đạo sở ngành, cơ quan trên địa bàn đã cùng tham gia để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Hội nghị được UBND TP HCM tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của DN có vốn nước ngoài, đồng thời để TP HCM đồng hành cùng doanh nghiệp gỡ khó, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố đang ở trong giai đoạn rất khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, là đô thị đặc biệt với dân số đông nên dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời.

Mô hình bán hàng lưu động được một doanh nghiệp triển khai ở TP HCM. Ảnh chụp sáng 20-8

Mô hình bán hàng lưu động được một doanh nghiệp triển khai ở TP HCM. Ảnh chụp sáng 20-8

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp của Mỹ, châu Âu…, đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải dưới tác động của dịch Covid-19.

 Lãn đạo Công ty Datalogic Việt Nam cho biết hiện công ty chỉ còn 502 người lao động làm việc theo mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm", thay vì con số hơn 800 nhân viên trước đó. Doanh số công ty đã sụt giảm từ 18,5 triệu USD trong tháng 6-2021 xuống 11 triệu USD trong tháng 7-2021 vừa qua.

"Công ty bị thiếu hụt nguồn lao động khi áp dụng các giải pháp phòng tránh dịch và nhiều người lao động có tay nghề, đã có gia đình không thể bỏ cha mẹ, con nhỏ để vào nhà máy làm việc. Kiến nghị TP HCM có giải pháp để chuỗi cung ứng nội địa không bị phá vỡ, bởi nếu cứ giãn cách xã hội kéo dài thì các nhà cung ứng nguyên vật liệu không thể đáp ứng, không bảo đảm hoạt động sản xuất" – lãnh đạo Datalogic Việt Nam nói.

Đại diện Công ty Intel Việt Nam (nhà máy ở Khu Công nghệ cao TP HCM) cho biết nhà máy sản xuất của doanh nghiệp hiện chiếm tới 64% giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TP HCM trong nửa đầu năm nay. Dù vậy, chi phí cho phương án triển khai "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" thời gian qua là rất lớn khi công ty đang có khoảng 1.800 người lao động phải lưu trú tại các khách sạn hoặc ở tại chỗ trong nhà máy.

"Nhà máy của Intel Việt Nam đảm nhận sản xuất các sản phẩm vi mạch, bán dẫn cho thị trường toàn cầu nên có vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp kiến nghị người lao động sớm được tiêm mũi vắc-xin thứ 2 để có miễn dịch cộng đồng và cho phép người lao động hoạt động bình thường sau khi đã tiêm đủ 2 mũi" – lãnh đạo Intel Việt Nam kiến nghị.

Lắng nghe, ghi nhận và chia sẻ ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng vượt qua trong bối cảnh TP HCM đã bước sang ngày thứ 42 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền của TP HCM, lãnh đạo TP HCM đã yêu cầu sở ngành liên quan tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp áp dụng mô hình 3 tại chỗ; kiến nghị chính sách tín dụng tài chính…

"TP HCM mong muốn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào công tác chống dịch Covid-19 và tiếp tục đồng hành với TP. TP HCM luôn chia sẻ và tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình khó khăn do dịch bệnh gây ra, để cùng nhau vượt qua giai đoạn này" – Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Thái Phương

Theo nld.com.vn