"Doanh nghiệp Nhà nước làm lời thì ăn, lỗ thì Nhà nước chịu"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước gần như không quan tâm đến vấn đề rủi ro, bởi họ làm việc theo tư duy lời thì ăn, lỗ thì Nhà nước chịu.
Ngày 19-7, tại hội thảo: "Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện đang được các đơn vị liên quan soạn thảo.
Theo ông Cung, "siêu" ủy ban quản trên 5 triệu tỉ đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ tháng 2-2018 nhưng đến nay chưa đi vào hoạt động khiến nhiều người băn khoăn. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng bày tỏ ngại về việc làm thể nào để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trong điều kiện số vốn lớn như vậy.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần phải thay đổi cách thức, cơ chế giám sát khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động. Ủy ban này là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Cung cho biết một số bộ, ngành nói có nhiều cơ quan giám sát rồi, nhưng đây là tư duy áp đặt, bởi các bộ giám sát theo quy chế công chức, viên chức, trong khi doanh nghiệp cần áp dụng quy tắc, cách thức khác để lựa chọn.
"Các bộ là thực hiện quản lý Nhà nước, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà đầu tư"- ông Nguyễn Đình Cung nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần "trao quyền" cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giám sát các doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó là thu hẹp các đầu mối giám sát bởi hiện nay quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát, trong khi hiệu quả lại không cao, điển hình là các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua.
Một thực tế tại các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay được bà Phạm Chi Lan chỉ ra là quản lý rủi ro chưa được quan tâm, thậm chí bị "bỏ quên". Trong khi đó theo bà Lan, ở khối doanh nghiệp tư nhân, quản lý rủi ro là yếu tố tiên quyết.
"Sở dĩ như vậy bởi doanh nghiệp Nhà nước làm việc theo tư duy lời thì ăn, lỗ thì Nhà nước chịu, nên rủi ro không phải là vấn đề lớn với họ"- bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Dẫn báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội (2018) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, giai đoạn 2011-2016, ông Phạm Đức Chung, Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM), cho biết: "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp".
Tình trạng hoạt động chưa hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước giảm trong giai đoạn 2011-2016: Tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%; chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROA) giảm 30%.
Cũng trong giai đoạn này, tỉ trọng doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy, có 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỉ đồng.
Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm.
Theo ông Chung, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trong đó có lý do là phạm vi giám sát của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu chưa rõ. Chưa kể, một số bộ, UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp, quản lý hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng chưa có cơ chế đánh giá và công bố công khai hiệu quả, trách nhiệm quản lý của chính các cơ quan đại diện này.
Trước đó, ngày 3-2, Chính phủ đã ban hành nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được nhiều ví như "siêu" ủy ban khi quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỉ đồng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 8-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bài-ảnh: Minh Chiến
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở