Doanh nghiệp nào ở Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu?

Thứ tư, 19/04/2023, 08:03 AM

Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu và một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

1

Hiện tại Việt Nam, có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12.000 tỉ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN); miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế) được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào..., nhờ thế dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Đến năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỉ USD, dù giảm so với năm 2021 nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu. Do đó, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh chia sẻ, qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%. Trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỉ USD).

"Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế TNDN mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án", Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhận định.

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành với nhà đầu tư vì lợi ích phát triển của quốc gia và của các nhà đầu tư, theo đó đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, để khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam. Vào tháng 8.2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng".

Tiếp đó, vào tháng 2.2023, để triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

Thuế tối thiểu toàn cầu tác động đến Việt Nam thế nào?

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.

Chương trình thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các nước đầu tư nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ có quyền đánh thuế đối với thu nhập toàn cầu đến mức thuế suất 15%. Theo đó, chính sách ưu đãi của các nước nhận đầu tư và nước đang phát triển như Việt Nam thì có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách.

Đối với Việt Nam là nước tiếp nhận đầu tư, toàn quốc hiện có 36.500 dự án đầu tư với tổng số vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 435 tỉ USD, qua đánh giá của Tổng cục Thuế thì sẽ có khoảng 1.017 doanh nghiệp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu trong mạng lưới của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó đặc biệt có 335 doanh nghiệp có mức đầu tư trên 100 triệu USD và có mạng lưới các doanh nghiệp phụ trợ đi theo đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 130 tỉ USD chiếm khoảng 30% tổng vốn đâu tư tại Việt Nam. Kèm theo các doanh nghiệp này sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ đi theo sẽ bị ảnh hưởng nếu các tập đoàn có điều chỉnh chính sách đầu tư.

Theo số liệu thống kê năm 2022, các doanh nghiệp FDI đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng trên 110.000 tỉ đồng thuế TNDN, số thuế bị tác động các nước phát triển truy thu khoảng từ 12.000 tỉ đồng đến 30.000 tỉ đồng.

TUYẾT NHUNG

Theo 1thegioi.vn

largeer