Doanh nghiệp "đua nhau" xin nhấn chìm hàng triệu m3 bùn cát xuống biển
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rất thận trọng trong việc cấp phép nhận chìm vật chất xuống biển...
Thời gian gần đây, hàng loạt chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, cảng biển đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhận chìm vật, chất nạo vét trong quá trình xây dựng, thi công cảng biển hoặc chống sa bồi cảng biển.
"Khủng nhất" trong số đó là khối lượng nhận chìm của Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất. Cụ thể, Hoà Phát Dung Quất đang triển khai Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất là một hạng mục quan trọng thuộc Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất, đã được Bộ trưởng Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư và Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận về vị trí, thông số kỹ thuật. Trong quá trình xây dựng, khối lượng vật chất cần nạo vét để xử lý tại khu vực bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu khoảng 15,5 triệu m3.
Được biết đây thực chất là cát nạo vét luồng lạch nhưng nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng; trong khi đó, việc xuất vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát.
Để xử lý việc này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thể hiện rõ quan điểm và đề xuất phương án nhận chìm ở biển đối với hàng triệu m3 cát này.
UBND Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét, đồng thời tham mưu cho Chính phủ giao khu vực biển cho dự án.
Như vậy, việc nhận chìm vật chất tới 15,5 triệu m3 xuống biển phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng.
Vài năm trở lại đây, xu hướng xin nhận chìm vật chất xuống biển rộ lên khi các nhà máy nhiệt điện, dự án thép được xây dựng và đi vào hoạt động. Các dự án này chủ yếu nằm ven biển. Để các tàu bè trọng tải lớn có thể vào cảng, hầu hết các dự án đều cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng các cảng nước sâu.
Quá trình nạo vét khiến khối lượng vật chất thải ra rất lớn và cần chỗ để nhận chìm. Trong khi việc Chính phủ yêu cầu dừng xuất khẩu mọi loại cát thì giải pháp cho hàng triệu tấn vật chất nạo vét kia lại càng khó khăn.
Việc nhận chìm vật chất thời gian qua gây nhiều sóng gió và ý kiến trái chiều trong dư luận. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tỏ ra rất thận trọng với vấn đề nhận chìm.
Mới đây nhất, Bộ này đã chính thức phát đi thông tin việc chưa cho phép việc nhận chìm 2,5 triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển trong quá trình thi công cảng than của Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch, Quảng Bình.
Trước đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, Trung tâm điện lực Quảng Trạch (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) sẽ nhận chìm 2,5 triệu m3 vật chất xuống khu vực cách đảo Hòn La 3,5 hải lý về phía Tây khi thi công làm cảng than. Thông tin trên gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận vì người dân lo ngại việc nhận chìm sẽ làm chết vùng biển.
Năm 2017, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu m3 xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận.
Chính Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó cũng khẳng định vị trí để đổ vật liệu nạo vét mà tỉnh Bình Thuận không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo hiện hành bởi vị trí này quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này.
Kết quả là việc đổ 1 triệu m3 bùn cát xuống biển của Nhiệt điện Vĩnh Tân đã không thể diễn ra và được thay bằng phương án khác. Tháng 11/2018, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã hoàn thành việc nạo vét san lấp gần 1 triệu m3 bùn cát vào cảng Vĩnh Tân, thay thế cho phương án nhận chìm xuống biển trước đó.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện được đầu tư trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Để đảm bảo hoạt động của các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân phải nạo vét khu vực cảng nhập than, luồng, vũng quay tàu và duy tu các hạng mục này trong suốt quá trình hoạt động.
Tỉnh Bình Thuận đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực chọn phương án xây kè chống xói lở kết hợp sử dụng vật, chất nạo vét cảng, luồng, vũng quay tàu để san lấp mặt bằng tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Đây là hạng mục công trình rất quan trọng, tạo bãi chứa 5,5 triệu m3 vật, chất nạo vét vũng quay tàu thay vì nhấn chìm xuống biển.
Bạch Dương
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở