Doanh nghiệp châu Á chật vật giữ nhân sự cấp cao

Thứ hai, 01/04/2019, 09:41 AM

Các doanh nghiệp châu Á ngày càng đưa ra nhiều đặc quyền hấp dẫn để giữ chân các nhân sự cấp cao ở lại làm việc tại khu vực có mức độ ô nhiễm môi trường cao.

Bụi mịn bao phủ bầu trời Seoul, Hàn Quốc, ngày 5/3/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN  

Bụi mịn bao phủ bầu trời Seoul, Hàn Quốc, ngày 5/3/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN  

Từ việc đưa ra những kỳ nghỉ đến tăng thêm các khoản tiền thưởng, các doanh nghiệp châu Á đang đưa ra ngày càng nhiều đặc quyền hấp dẫn trong nỗ lực lôi kéo các nhân sự cấp cao đến một khu vực, nơi không khí độc hại bao phủ các thành phố lớn trong suốt cả năm. 

Giới chuyên gia đang cảnh báo rằng những lo ngại về vấn đề sức khỏe đang khiến những nhân sự cấp cao chùn bước dù ban đầu họ bị thu hút bởi sự phát triển nhanh của các nền kinh tế châu Á. Do vậy, các công ty đang vật lộn để tuyển dụng - và giữ chân - những người có chuyên môn họ cần. 

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, khoảng 92% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí gây nguy cơ đáng kể cho sức khỏe. Điều này có nghĩa là ngoài mức lương hấp dẫn, các doanh nghiệp phải đưa ra những ưu đãi khác cho người lao động. 

Theo ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của công ty tư vấn điều phối nhân sự quốc tế ECA International, những ưu đãi này bao gồm các khoản chi trả cho những chuyến nghỉ ngơi bên ngoài khu vực khói bụi sau mỗi vài tháng, hoặc cho phép người lao động sắp xếp công việc theo phương thức phi truyền thống để họ có thể đi lại từ các khu vực ít ô nhiễm hơn. 

Ông cho biết tại một địa điểm có mức độ ô nhiễm cao hơn, ECA International sẽ đề xuất công ty đưa ra các khoản phụ cấp trong khoảng từ 10 - 20 % mức lương cơ bản của nhân viên đó. Ước tính này được dựa trên một hệ thống xếp hạng mà ECA International sử dụng để giúp các công ty xác định mức phụ cấp tài chính phù hợp cho việc chuyển địa điểm làm việc của nhân viên. 

Các ưu đãi khác mà công ty có thể đưa ra cho nhân viên nhằm thuyết phục họ chuyển đến khu vực bị ô nhiễm cao hơn bao gồm căn hộ cao cấp, máy lọc không khí cho gia đình và văn phòng, mặt nạ chống bụi và các cuộc kiểm tra y tế thường xuyên. 

Ông Quane nói rằng nếu tính cả những khoản chi khác liên quan đến những ưu đãi trên, chi phí tối thiểu có thể nằm trong khoảng từ 5.000 - 10.000 USD một năm và phụ cấp về địa điểm lao động là một khoản phí tổn khác. 

Hồi năm 2014, Panasonic đã xác nhận rằng họ sẽ cung cấp "phí bảo hiểm ô nhiễm" cho những người làm việc cho công ty ở Trung Quốc, trong khi truyền thông cũng tiết lộ Coca Cola đưa ra khoản trợ cấp khoảng 15% cho nhân viên chuyển đến địa điểm này. 

Kể từ đó, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí. Nhưng Bắc Kinh - cùng với các trung tâm đô thị quan trọng khác ở Nam Á bao gồm New Delhi của Ấn Độ - thường xuyên vượt quá giới hạn an toàn về ô nhiễm không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Do đó, những địa điểm này đang chứng kiến sự suy giảm về “tầm cỡ nguồn nhân lực”. Ông Quane cho hay các công ty đang buộc phải lựa chọn những nhân sự kém chất lượng hơn. 

Ông Patrick Behar-Courtois, người điều hành một công ty tư vấn văn hóa doanh nghiệp tại Thượng Hải trong hơn một thập kỷ qua, cũng đồng ý với nhận định trên.

Ông nói rằng những khoản ưu đãi tài chính hào phóng không đủ để bù đắp cho những lo ngại về vấn đề ô nhiễm của những nhân sự cao cấp mà ông muốn tuyển dụng. 

Ông chia sẻ việc đã phải sửa đổi các chính sách tuyển dụng của mình và tìm kiếm nhân sự ở địa phương, vì vậy mà người mới có ít kinh nghiệm hơn và công ty phải dành nhiều thời gian hơn để đào tạo họ. 

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) và tổ chức theo dõi môi trường IQ Air Visual, đây cũng là quốc gia có bảy thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. 

Ông Atul Vohra, quản lý cấp cao của công ty tuyển dụng toàn cầu Transearch, cho biết tất cả các nhân sự cấp cao đều muốn có dòng “có kinh nghiệm hoạt động tại Ấn Độ” trong hồ sơ của họ. Tuy nhiên, họ cũng có nỗi sợ hãi về các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường. 

Những lo ngại như vậy không chỉ là vấn đề đối với người nước ngoài. Chuyên gia Atul Vohra nói thêm rằng chính người Ấn Độ cũng đang từ chối công việc ở những khu vực gặp vấn đề khói bụi nghiêm trọng ngay tại đất nước mình. 

Đối với nhiều người, có lẽ những khoản phụ cấp và tiền thưởng hấp dẫn không đủ để họ đặt sức khỏe của bản thân và gia đình đối mặt với rủi ro. Các công ty sẽ còn phải vật lộn nhiều với bài toán nhân sự cấp cao tại châu Á chừng nào vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực này chưa được giải quyết và cải thiện.

H.Thủy

Theo Bnews.vn