Điểm mặt những dự án 'lùm xùm' vẫn ẵm giải thưởng quốc gia

Thứ hai, 16/04/2018, 20:01 PM

Danh sách Giải thưởng Quốc gia bất động sản 2018 vừa được trao đang khiến cho dư luận bất ngờ khi trong các hạng mục trao giải có những chủ đầu tư, những dự án nhận thưởng từng bị người dân lên án về chất lượng, để xảy ra nhiều sai phạm.

Dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng

Được vinh danh là "Khu nhà ở đáng sống nhất" thế nhưng Dự án Imperia Garden Hà Nội lại khiến nhiều cư dân ở đây phải "sống dở chết dở'.Khu chung cư Imperia Garden tọa lạc tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng thuộc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân (Hà Nội), do chủ đầu tư là Công ty CP HBI kết hợp với đối tác phát triển dự án M.I.K Corporation được dư luận biết đến với nhiều mâu thuẫn đã xảy ra giữa chủ đầu tư và cư dân.Được quảng cáo là khu chung cư cao cấp "Vườn trong phố", thế nhưng từ khi khách hàng nhận bàn giao căn hộ từ đầu năm 2017,  cư dân ở đât đã nhiều lần treo băng rôn phản đối, rồi làm tranh biếm họa "tố" chủ đầu tư về việc các tiện ích và chất lượng khác xa so với quảng cáo ban đầu.

Cư dân của dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, thời gian qua

Cư dân của dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng, thời gian qua "nóng" với tranh chấp, kiện tụng của cư dân với chủ đầu tư.

Gần đây nhất, trong những ngày đầu năm mới 2018, mộ số cư dân Imperia Garden không chịu nộp phí dịch vụ vì cho rằng quá cao so với quy định, trong khi chất lượng, số lượng tiện ích của chung cư không đúng như với cam kết ban đầu. Sau đó, đơn vị quản lý tòa nhà đã cắt nước sinh hoạt của các hộ dân trên khiến nhiều cư dân bất bình đã xuống đường căng băng rôn, thậm chí mang xô, chậu xuống sảnh chính gội đầu để phản đối, buộc cơ quan chức năng quận Thanh Xuân phải vào cuộc.

Dự án Khu chung cư Green Stars Hà Nội

Cũng được vinh danh là "Khu nhà ở đáng sống nhất" nhưng nhiều cư dân khu chung cư Green Stars ở đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm thuộc dự án Thành phố giao lưu do Công ty Cổ Phần Ngôi sao An Bình thuộc Tập đoàn Geleximco  làm chủ đầu tư lại sống trong cảnh bất an với chất lượng và nhiều sai phạm.Được biết, dự án Green Stars gồm tổ hợp khu căn hộ gồm 7 tòa tháp cao tầng, trong đó các tòa 21B4, 21B5 đã được bàn giao cho cư dân từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, cư dân tại khu chung cư này đã liên tục phản ánh những bất cập trong chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ, phí gửi xe quá cao, chủ đầu tư chưa có giấy chứng nhận PCCC nhưng đã bàn giao căn hộ cho cư dân...Điều đáng nói, mới đây trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ dự án Thành phố giao lưu có nhiều sai phạm. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết phần lớn diện tích đất thuê tại dự án Thành phố Giao lưu (gồm các lô có ký hiệu CC, HH, THPT, THCS, NT, P với tổng diện tích 170.759 m2), UBND TP Hà Nội và chủ đầu tư chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất. Chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các diện tích đất này. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn điều chỉnh quy hoạch phần đất cách ly, đất cây xanh, cho cống hóa, xây dựng nhà thấp tầng để bán. Được biết, trong quá khứ dự án này từng bị xử phạt vì xây dựng sai quy hoạch chi tiết. Chẳng hạn như năm 2015, chủ đầu tư tiến hành thi công 4 nhà tạm, dựng khung cột, kèo sắt cao trung bình 3,5m tại lô đất CC5 để kinh doanh dịch vụ, trong khi đây là ô đất quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng).

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Thành phố giao lưu của Geleximco

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Thành phố giao lưu của Geleximco

Dự án  khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá

Nằm trong danh sách giải thưởng nhà ở xã hội và giá rẻ chất lượng tốt nhất nhưng dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm – Hà Nội) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư thời gian qua gây nhiều lùm xùm. Tuy nhiên, được đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến nay, khu nhà ở xã hội này đã xuất hiện tình trạng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Dự án  khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá gây nhiều tai tiếng về chất lượng công trình.

Dự án  khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá gây nhiều tai tiếng về chất lượng công trình.

Theo phản ánh của những người dân sống tại các khu chung cư D9, D10, D11, tòa nhà nơi họ ở đang có tình trạng tường ẩm mốc, nứt toác, nhiều thiết bị hư hỏng không được sửa chữa.Đặc biệt, những vết nứt dài xuất hiện tại nhiều nơi không chỉ ở sân để xe, hành lang, cầu thang mà còn cả trong chính các căn hộ khiến nhiều gia đình không khỏi hoang mang về chất lượng công trình.

Dự án Khu nhà ở xã hội EcoHome và Dự án EcoLife Capitol 

Nằm trong danh sách giải thưởng nhà ở xã hội và giá rẻ chất lượng tốt nhất, Khu nhà ở xã hội Ecohome 1+2 (Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư, không ít lần người dân phản ánh về tình trạng xuống cấp nhanh chóng của các căn hộ: Nào là nứt nẻ, nào là bị thấm nước với muôn kiểu thấm dột.  Nhiều cư dân tại đây từng bức xúc lên tiếng khi nhiều lần họ phải dùng nước sinh hoạt có màu như chè đỗ đen, tồn ứ nhiều cặn. Nước bẩn tấn công các hộ gia đình đã làm cho các thiết bị lọc nước, máy giặt, bình nóng lạnh, và một số đồ dùng vật dụng khác của họ bị hư hỏng nặng nề.

Còn Dự án EcoLife Capitol Hà Nội cùng một chủ đầu tư là  Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thủ Đô lọt vào danh sách dự án công trình xanh tốt nhất, nhưng Dự án EcoLife Capitol có địa chỉ tại Số 58 Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng khiến nhiều người bất ngờ.Bởi đây là dự án dính hàng loạt tai tiếng khi chủ đầu tư đã tự ý thay đổi rất nhiều về thiết kế và danh mục hoàn thiện căn hộ so với hợp đồng đã ký với khách hàng khiến nhiều cư dân vô cùng phẫn nộ. Đặc biệt là những ngày giáp Tết Nguyên đán (2018), họ buộc phải xuống đường căng băng rôn tố chủ đầu tư “Treo đầu dê, bán thịt chó’ để đòi quyền lợi.Không chỉ vậy, chủ đầu tư còn lộ rõ nhiều bất cập khác như cách tính sai thuế Giá trị gia tăng (VAT), việc thu phí dịch vụ quá cao và tiền mua căn hộ chênh lệch,...

Cư dân Dự án EcoLife Capitol Hà Nội treo băng rôn phản đối chủ đầu tư quảng cáo một kiểu làm một kiểu 

Cư dân Dự án EcoLife Capitol Hà Nội treo băng rôn phản đối chủ đầu tư quảng cáo một kiểu làm một kiểu 

Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm

Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, có địa chỉ tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng nhận giải nhà xã hội tốt nhất nhưng thời gian qua đã dính nhiều lùm xùm được dư luận phản ánh. 

Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm từng xôn xao dư luận khi bán nhà sai đối tượng với danh sách có cả người nhà và lãnh đạo của chủ đầu tư là Công ty cổ phần BIC Việt Nam.

Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm từng xôn xao dư luận khi bán nhà sai đối tượng với danh sách có cả người nhà và lãnh đạo của chủ đầu tư là Công ty cổ phần BIC Việt Nam.

Dự án này từng làm nóng dư luận khi báo chí phản ánh đưa tin về việc “Bố tổng giám đốc được mua nhà ở xã hội" phản ánh trường hợp ông Lục Minh Kim - hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2 tại dự án nhà ở xã hội Rice City. Điều đáng nói, ông Lục Minh Kim là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang - Tổng giám đốc và ông Lục Minh Hoàn - Phó Tổng giám đốc của BIC Việt Nam.Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng Hà Nội đã phải vào cuộc xác minh làm rõ việc bán nhà xã hội sai đối tượng tại dự án này. Ngày 16/4 trao đổi với PV, ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 cho rằng, việc trao đổi đối với các dự án rất cẩn trọng. “Đối với dự án Thanh Hà là trao giải dự án giá rẻ tốt nhất chứ không là dự án nhà xã hội và không phải trao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp này có vi phạm này vi phạm khác, với những dự án vi phạm thì mình phải xử lý nhưng có dự án được thì phải ghi nhận. Tiêu chí là trao cho dự án chứ không phải cho doanh nghiệp”, ông Nam lý giải.

Đối với dự án dự án D’. Le Pont D’or 36 Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi đạt giải “khu nhà ở đáng sống nhất”, nhưng thực tế dự án này từng bị phát hiện xây sai phép so với quy hoạch được duyệt; Chủ đầu tư tự ý xây thêm tầng lửng ngoài thiết kế với diện tích gần 2.000 m2. Phần diện tích xây thêm này chiếm tới 70% diện tích sàn tầng 1 và vượt quá quy định cho phép xây dựng tầng lửng. Ông Nam cho hay, phải xem xét trên văn bản giấy tờ vì không tránh khỏi các tòa nhà có những tranh chấp khiếu kiện nhất định.   

PHAN THIÊN-TIỂU MINH

Theo TP