Dịch Covid-19 vào mùa khốc liệt, người dân không được lơ là
Bước vào mùa đông, nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, do đó tất cả người dân không được lơ là, chủ quan.
2 tuần qua, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới rất căng thẳng, số ca mắc mới có ngày vượt trên 600.000 ca và hơn 10.000 ca tử vong.
Đặc biệt Mỹ và châu Âu tái bùng phát dữ dội, khó kiểm soát, buộc nhiều nước phải phong toả, giãn cách trở lại, gây khó khăn cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi số lượng chuyến bay đưa công dân về nước, chuyên gia nhập cảnh vẫn đều đặn.
Do đó, các địa phương phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng chống dịch, nếu có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan rất nguy hiểm do sắp tới là “mùa đông khốc liệt”, đặc biệt vào thời điểm Tết Nguyên đán.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc Việt Nam giữ được thành quả 74 ngày qua không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân.
Tuy nhiên, nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng khiến người dân bắt đầu chủ quan. Việc này rất nguy hiểm bởi nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập nước ta vẫn còn, nhất là thời điểm mùa đông xuân, thời tiết rất thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển, lây lan trong đó có Covid-19. Nhiệt độ mùa đông xuống thấp giúp virus sinh sôi, phát triển tốt hơn, sống lâu hơn trong môi trường, trên các bề mặt. Trong khi dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, một số nước đã bước sang làn sóng thứ 3 nên chúng ta vẫn có nguy cơ rất lớn”, PGS Nga phân tích.
Ngoài ra, số lượng người nước ngoài về Việt Nam ngày càng đông, sắp tới chúng ta lại mở thêm chuyến bay thương mại, đồng nghĩa số người bị nhiễm bệnh vào Việt Nam cũng nhiều hơn.
Theo PGS Nga, hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát tốt nhập cảnh, cách ly qua đường hàng không, tuy nhiên vẫn có nguy cơ nhập cảnh trái phép từ đường mòn lối mở.
Trong đợt dịch trước, Việt Nam từng giữ được thành quả 99 ngày, nhưng sau đó tái bùng phát trở lại cũng bắt nguồn từ sự mất phản xạ phòng dịch của một bộ phận người dân, địa phương và cơ sở y tế. Sau đó, Việt Nam phải nỗ lực dập dịch trong gần 2 tháng.
Vì vậy, trong điều kiện bình thường mới với nhiều nguy cơ, người dân vẫn cần hết sức cẩn trọng, tuân thủ đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng, nơi đông người, đồng thời sát khuẩn tay thường xuyên. Những hành động đơn giản này vừa có thể giúp bảo vệ bản thân, vừa giúp bảo vệ cộng đồng.
PGS Nga nhìn nhận, vừa qua cộng đồng quốc tế và nhiều tổ chức uy tín đánh giá rất cao công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam, trong đó chính phủ làm tốt công tác dập dịch, cách ly, người dân tuân thủ tốt đeo khẩu trang. Giờ muốn giữ vững thành quả chống dịch, mỗi người dân tiếp tục tuân thủ tốt quy tắc phòng chống dịch, đơn giản nhất là đeo khẩu trang.
Để tránh bùng phát dịch tại Đà Nẵng như vừa qua, PGS Nga đặc biệt lưu ý các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân phải kiểm soát chặt chẽ người ra vào qua nhiều lớp.
“Vào thời điểm mùa đông xuân, các bệnh viện rất đông người dân đến khám, nhập viện do bị cúm và các bệnh hô hấp khác, nếu sàng lọc không kĩ có thể bỏ lọt bệnh nhân Covid-19 mà không hay biết. Bệnh viện là nơi tập trung nhiều người sức khoẻ yếu, lưu lượng vào ra rất lớn nên chỉ một chút mất cảnh giác có thể phát tán rất rộng”, PGS Nga cảnh báo.
Theo PGS Nga, Việt Nam phải cố giữ dịch không lây ra cộng đồng đến giữa mùa hè năm sau mới có thể tạm yên tâm. Khi đó, những thế hệ vắc xin đầu tiên được sử dụng và virus có thể thích nghi với con người hơn.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 vừa diễn ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhìn nhận, không thể đảm bảo không có ca lây nhiễm trong cộng đồng thời gian tới, do đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, cập nhật, xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị ứng phó với tình huống khó khăn hơn trong mùa đông.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tinh thần chung là không nên trông chờ quá nhiều vào vắc xin, phải triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như chúng ta đã làm trước đó. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", không được lơ là.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý về mẫu khẩu trang vải in cờ đỏ sao vàng. Khi đeo những chiếc khẩu trang vải có hình quốc kỳ trong công tác đối ngoại, nghi thức ngoại giao, chắc chắn mỗi người dân không chỉ coi đó là một cách phòng chống dịch bệnh mà còn mang theo quyết tâm, niềm tự hào Việt Nam chiến thắng đại dịch.
Thúy Hạnh
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội