Dệt may Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng 4.0

Thứ tư, 22/08/2018, 00:33 AM

Theo nhiều chuyên gia, từ trước đến nay ngành dệt may Việt Nam dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ cùng lượng lao động dồi dào nên phát triển nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.

Tuy nhiên, với những hệ thống tự động hóa như in 3D, rô - bot tự động, IoT... thì việc ứng dụng của các doanh nghiệp cho các công nghệ hiện đại này còn rất thấp tại Việt Nam.

Lao động chân tay không còn là thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh CN 4.0.   Ảnh: Kim Ngọc

Lao động chân tay không còn là thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh CN 4.0. Ảnh: Kim Ngọc

Vì thế ông Lê Quốc Ân – Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, với việc chuyển giao công nghệ từ lao động chân tay sang dây chuyền thiết bị toàn bằng máy móc hiện đại sẽ thay thế 85% lượng lao động dệt may, đặc biệt là lao động trình độ thấp.

“Với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp 4.0. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào lực lượng lao động dồi dào và rẻ như hiện nay để sử dụng như 1 yếu tố cạnh tranh chính thì chúng ta sẽ thất bại”. Ông Ân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế cấp cao Võ Trí Thành cũng cho rằng: “Tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng đến mất việc làm ở tương lai gần là có thể nhìn thấy được”.

Đồng thời nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cũng mạnh dạn thừa nhận, với những thành tựu tiên tiến và hiện đại của cách mạng 4.0 vẫn chưa thực sự được ứng dụng mạnh mẽ ở Việt Nam.

“Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tiếp cận 4.0 theo ý niệm, khái niệm chứ chưa hoàn toàn áp dụng thành tựu 4.0 vào dây chuyền sản xuất”- ông Lê Trí Tín, Giám đốc Kỹ thuật Bosch Rexroth tại Việt Nam chia sẻ.

Dù hệ thống sản xuất đã có tự động hóa nhưng thực sự nội tại doanh nghiệp và liên kết các doanh nghiệp với nhau chưa tốt . Đặc biệt, khoảng cách trong ứng dụng Big data, mạng lưới Internet, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống sản xuất dệt may còn rất thấp so với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam trăn trở với những ứng phó của doanh nghiệp ngành dệt may sẽ gặp khó khăn về nguồn chi phí trang bị máy móc hiện đại, trình độ và năng lực quản lý các thiết bị kỹ thuật cao.

Doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn chưa tiếp cận mạnh mẽ với thành tựu CN 4.0 hiện nay. Ảnh: Kim Ngọc

Doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn chưa tiếp cận mạnh mẽ với thành tựu CN 4.0 hiện nay. Ảnh: Kim Ngọc

“Đòi hỏi phải đào tạo và nâng cao khả năng con người để điều khiển vận hành những thiết bi, phần mềm thông minh, hiện đại...Vấn đề về vốn, chi phí để đầu tư máy móc là vấn đề lớn khó giải quyết trong ngắn hạn”- ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nhận định.

Các chuyên gia phân tích, dù thách thức là không hề nhỏ song đây là quy luật tất yếu của toàn cầu, vì là ngành chủ lực nên các doanh nghiệp dệt may trong nước phải xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất, có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào. Đồng thời Chính phủ cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dệt may tăng năng lực cạnh tranh.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer