Đề xuất đánh thuế kích thích sinh đẻ gây bức xúc tại Trung Quốc

Chủ nhật, 19/08/2018, 07:28 AM

Dư luận Trung Quốc đã bất bình với một đề xuất đánh thuế toàn bộ những người đang trong độ tuổi lao động dưới 40, đưa vào quỹ “tái sản xuất” dùng để thưởng cho những gia đình có nhiều hơn một con, động thái nhằm kích thích sinh đẻ ở nước này.

Tỉ lệ sinh ở Trung Quốc đang có xu hướng giảm mạnh (Ảnh minh họa: SCMP)

Tỉ lệ sinh ở Trung Quốc đang có xu hướng giảm mạnh (Ảnh minh họa: SCMP)

Theo SCMP, đề xuất trên được 2 học giả Liu Zhibiao và Zhang Ye đến từ trường đại học Nam Kinh viết trong một bài báo đăng tải trên trang Xinhua Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ý tưởng trên nằm trong một chiến dịch toàn quốc khuyến khích mọi người sinh thêm con, trái ngược với chính sách một con mà Bắc Kinh ban hành gần 40 năm trước và mới kết thúc năm 2015. Trung Quốc hiện đang lo ngại vì tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, lực lượng lao động thu hẹp và tỉ lệ sinh giảm mạnh có thể gây nên một “quả bom nhân khẩu học”.

Hiện thời, mặc dù các cặp đôi đã có thể có 2 con nhưng tỉ lê sinh vẫn giảm. Hai học giả dự đoán rằng tỉ lệ sẽ giảm mạnh trong vài năm tới, theo số liệu chính thức.

Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng ca sinh nở ở một số tỉnh thành thuộc Trung Quốc đại lục giảm từ 15 tới 20% so với năm ngoái. Năm 2017, có 17,58 triệu trẻ em ra đời ở Trung Quốc, giảm 630.000 so với năm 2016.

Để giải quyết vấn đề, 2 học giả đề xuất phương án thu thuế đàn ông và phụ nữ trong tuổi lao động và dưới 40 tuổi để đưa vào quỹ “tái sản xuất”, tặng tiền cho các gia đình có trên một con. Họ nói rằng thuế có thể thu dựa trên một phần lương của nhóm đối tượng trên và chính phủ Trung Quốc sẽ quản lý quỹ này.

Tuy nhiên, đề xuất thu thuế để kích thích sinh đẻ trên bị chỉ trích rất dữ dội, cho rằng nó gợi nhắc lại cách chính phủ Bắc Kinh quản lý dân số thời kỳ chính sách một con. Từ khi chính sách ban hành vào năm 1979, các gia đình bị phạt nếu có nhiều hơn một con và phụ nữ có thể bị ép phá thai hoặc triệt sản để đảm bảo dân số Trung Quốc không bùng nổ vào thời điểm bấy giờ. Những ý kiến chỉ trích đều không đánh giá cao cả chính sách cũ và đề xuất mới, lo ngại những hệ lụy về vấn đề quyền con người, theo SCMP.

Huang Rongqing, một cựu giáo sư về dân số và kinh tế tại đại học kinh doanh và kinh tế Capital (Bắc Kinh), cho rằng đề xuất trên “vô lý”.   “Có thêm con hay không là quyền lựa chọn của mỗi gia đình. Chúng ta có thể khuyến khích họ sinh đẻ bằng các biện pháp ưu đãi, nhưng không thể ép họ bằng cách thu thuế. Họ (các học giả) có quyền đưa ra những đề xuất, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi những người có kiến thức sâu rộng lại có thể đưa ra một ý tưởng kỳ quặc như vậy”, ông Huang nói.

Chính dư luận và truyền thông Trung Quốc cũng chỉ trích đề xuất trên. Đài truyền hìnhCCTV gọi ý tưởng trên là "không phù hợp". Tại Thượng Hải, Dora Li, người mẹ của một cô con gái 5 tuổi, cho hay chị không có kế hoạch sinh nở thêm em bé vì chị không có khả năng nuôi dưỡng con thứ 2 do chi phí giáo dục và y tế quá đắt đỏ. Chị Li nói rằng chị rất không tán đồng với đề xuất của 2 học giả trên.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Theo Dantri