Để thuốc Việt ‘lấy lòng’ được người Việt
Nhiều người dân vẫn đang lựa chọn thuốc ngoại dù giá thành cao và thành phần dược chất tương tự thuốc nội. Để thuốc sản xuất trong nước có “chỗ đứng”, cần nhiều giải pháp sáng tạo, không chỉ từ phía doanh nghiệp, mà cả từ cách quản lý, ý thức tiêu dùng của người dân, cán bộ y tế.
“Cuộc đua” sử dụng thuốc nội
Tại Bệnh viện 71 Trung ương (Thanh Hoá), thời gian qua, nhờ những nỗ lực đưa thuốc nội vào điều trị để giảm chi phí cho người bệnh, các loại thuốc sản xuất trong nước đã chiếm tới 50% tỷ lệ tiền thuốc sử dụng hàng năm.
Ông Lưu Quốc Thịnh, trưởng khoa Dược, bệnh viện 71 Trung ương cho biết: “Việc dùng thuốc nội đã đem lại những hiệu quả quan trọng trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân, bệnh nhân ra viện với chi phí thấp hơn, kết quả điều trị cao. Việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước đã giảm bớt gánh nặng tiền thuốc, nhất là người bệnh ở những vùng khó khăn”.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, với những chính sách ưu tiên sử dụng thuốc Việt, tại các cơ sở y tế, cán bộ y tế, người dân đã dần tin tưởng và lựa chọn, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ngày càng cao. Năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc nội trên toàn tỉnh đã đạt gần 77%; các cơ sở y tế đều đạt trên 76%...
Đại diện Sở Y tế Quảng Bình cho biết: Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ đã nâng cao nhận thức, ưu tiên kê đơn thuốc nội trong khám và điều trị nội, ngoại trú. Đây cũng là biện pháp tạo sự tin tưởng của người dân đối với thuốc sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược tại địa phương cũng tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm thuốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo lòng tin với người dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội trung bình tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đang ngày càng có sự tăng trưởng rõ rệt, năm 2018 đạt trung bình hơn 57%, cao gấp gần 2 lần so với năm 2013 (hơn 34%). Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng thuốc nội khá cao như: Quảng Bình (76%), Quảng Trị (75,13%), Tuyên Quang (74,63%)…
Tuy đã có những khởi sắc, nhưng theo các chuyên gia, nhìn chung việc lựa chọn thuốc sản xuất trong nước vẫn còn thấp ở một số khu vực.
“Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội không cao. Đó là do đặc thù riêng của những bệnh viện tuyến cuối thường phải sử dụng các loại thuốc chuyên khoa sâu như: Các kháng sinh chống nhiễm khuẩn mạnh, gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép… phần lớn các loại thuốc này chưa sản xuất được trong nước nên phải sử dụng thuốc ngoại cao. Bên cạnh đó, trong quá trình các bệnh viện tiến tới tự chủ tài chính, để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút bệnh nhân việc đáp ứng tâm lý sính “hàng ngoại” của một phận không nhỏ người dân khiến việc chọn sử dụng thuốc ngoại cao”, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết.
Trong khi đó, thực tế nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã có năng lực sản xuất các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp, nhưng lại yếu trong khâu quảng bá, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do đầu tư cho truyền thông sản phẩm chưa tương xứng.
Nhiều người Việt quan niệm thuốc càng đắt tiền thì càng có hiệu quả điều trị cao. Đây là quan niệm sai lầm vì lý do thuốc ngoại đắt là bởi chi phí sản xuất ở nước ngoài rất lớn, giá thành nguyên liệu không rẻ; cộng thêm chi phí vận chuyển, nhập khẩu… Thuốc nội có thành phần dược chất tương tự, chất lượng không hề thua kém, giá rẻ hơn, thì lại không được nhiều người chọn dùng. Đây là vấn đề khá nan giải khiến thuốc nội “lép vế”.
Tạo cơ hội bứt phá
Theo ông Vũ Tuấn Cường, hiện nay việc triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cùng các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao sự hiểu biết cho người dân, cán bộ y tế về thuốc Việt, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Người dân và cán bộ y tế đã nhận thức được thuốc nội bảo đảm hiệu quả điều trị, chất lượng trong khi giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại nhập. Để nâng cao tỷ lệ sử dụng, một trong các giải pháp khá hiệu quả là luôn ưu tiên thuốc nội trong đấu thầu, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu. Thuốc sản xuất trong nước cũng được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời cũng được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, dự kiến trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ có đà để phát triển mạnh mẽ.
Về phía doanh nghiệp sản xuất thuốc, ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang cho rằng: “Một trong những biện pháp tạo niềm tin với thuốc Việt là các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng. Đặc biệt là nâng cao tiêu chuẩn nhà máy, bảo đảm việc sản xuất thuốc một cách nghiêm ngặt và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì cũng phải chú trọng, đáp ứng về mặt nhu cầu sử dụng về thẩm mỹ; giá cả thuốc phù hợp với túi tiền của người dân.
Cũng theo ông Đoàn Đình Duy Khương, để phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp dược phải có sự nối kết, hội nhập với quốc tế. Cần phải có chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc từ các nước phát triển. Vì khi đã có công nghệ tốt sẽ không phải nhập các thuốc để đặc trị hay các thuốc tiêu chuẩn cao ở nước ngoài”.
“Để nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc Việt, Bộ Y tế cũng cần xem xét, ưu tiên hơn nữa trong việc sử dụng các sản phẩm thuốc Việt có chất lượng trong điều trị tại các cơ sở y tế, có chính sách khuyến khích tạo sự cạnh tranh hợp lý cho các doanh nghiệp dược nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm” ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Traphaco đề xuất.
Tạ Nguyên
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội