Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bây giờ khác gì 30 năm trước?

Thứ năm, 04/10/2018, 13:28 PM

Giả định, ta cứ cho rằng Vinfast phát triển được ô-tô, nhưng thị trường 100 triệu dân và mức thu nhập của người dân Việt Nam đủ cho Vinfast hay không?

Empty

30 năm qua, không thể phủ nhận định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp Việt Nam “lột xác”, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nói: “Cần phải đặt lại trọng tâm thu hút FDI trong giai đoạn hiện nay”.

.Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nhưng rõ ràng là việc đánh giá về FDI sau 30 năm là cần thiết.

+ Thứ trưởng Vũ Đại Thắng: Tôi không phủ nhận những thành tựu chúng ta đạt được qua 30 năm thu hút FDI. Nhưng mỗi giai đoạn thì từng vấn đề đều có cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau. Chắc chắn 5 năm sau việc đánh giá về FDI sẽ khác thời điểm hiện nay.

Vậy ông giải thích thế nào về việc trải qua 30 năm, Việt Nam vẫn đang thu hút FDI khá hiệu quả?

+ Điều này tôi đã trao đổi nhiều, nhất là khi đi các địa phương. Phải thừa nhận, ở giai đoạn đầu, tiềm năng, lợi thế của VN như lao động giá rẻ, tài nguyên… có sức hấp dẫn đối với FDI. Nhưng hiện nay, tài nguyên liệu có còn phải là lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài nữa không? Lao động giá rẻ có còn là lợi thế cạnh tranh như thời kỳ đầu nữa không? Rồi vị trí chiến lược, bao nhiêu năm nay, nó vẫn là… vị trí chiến lược với cả hệ lụy và hệ quả.

Tôi cho rằng: tùy từng thời điểm, ta phải đánh giá lại tiềm năng, lợi thế, cách thu hút và sử dụng nguồn lực FDI. Không thể có một giá trị nào bất biến trong nền kinh tế và FDI cũng vậy. Ở mỗi thời điểm, chúng ta phải có cách sử dụng thông minh nhất để đạt hiệu quả cao nhất.

Vậy những trụ cột trong thu hút FDI đã mang lại điều gì cho Việt Nam?

+ Theo nguyên lý chung, thu hút FDI luôn xoay quanh vốn, công nghệ và thị trường. Thời mới mở cửa, vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta là một nguồn lực quan trọng. Từ đó công nghệ cũng được chuyển giao và thị trường cũng được mở rộng.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu, chúng ta chủ yếu gia công cho nước ngoài. Và khi sản xuất hàng hóa có bước tiến bộ vượt bậc, nhưng thị trường ta chưa chủ động được, thì FDI đóng một vai trò rất lớn.

Thị trường Việt Nam đã biết làm, nhưng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ sản xuất hàng hóa, ta vẫn cần FDI. Ảnh minh họa

Thị trường Việt Nam đã biết làm, nhưng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ sản xuất hàng hóa, ta vẫn cần FDI. Ảnh minh họa

Hiện nay, việc thu hút FDI có gì khác biệt so với 30 năm trước hay không?

+ 30 năm trước, tôi nghĩ chủ trương thu hút FDI cũng chỉ xoay quanh vốn, công nghệ và thị trường. Thời điểm này cũng thế, nhưng chắc chắn phải có điểm khác.

Bởi hiện nay, thực tế tư nhân đã có tích lũy, hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã nâng cao năng lực về huy động và cho hay, chứng khoán cũng trở thành kênh huy động vốn rất tốt. Vốn có thể không còn thiếu như 30 năm trước đây. Tôi nghĩ vậy.

Thực tế thì các dự án vài nghìn tỷ từ ngân sách nhà nước, từ tư nhân Việt Nam được triển khai khá nhiều, nhưng mới chỉ tập trung vào lĩnh vực hạ tầng. Còn vốn trong sản xuất hàng hóa vẫn còn ít.

Ngoài ra, còn một điều có vẻ “nghịch lý” chứng minh cho việc không thiếu vốn là: nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn có thể tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tức là một trụ cột của FDI ta đã có thể chủ động. Vậy còn công nghệ và thị trường?

+ Tôi cho rằng chúng ta chưa sẵn sàng và chủ động được công nghệ và vẫn cần các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường cũng thế!

Giả định, ta cứ cho rằng Vinfast phát triển được ô-tô, nhưng thị trường 100 triệu dân và mức thu nhập của người dân Việt Nam đủ cho Vinfast hay không? Ấy là chưa kể tới việc các hãng ô-tô khác đang cạnh tranh ngay tại Việt Nam.

Hay thực tế, các công ty viễn thông của Việt Nam đã phát triển rất tốt, nhưng cũng phải “lao” ra thị trường nước ngoài.

Tôi cho rằng, thị trường Việt Nam đã biết làm, nhưng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ sản xuất hàng hóa, ta vẫn cần FDI.

.Công nghệ, hình như đã có nhiều định hướng, kể cả luật chuyển giao công nghệ…

+ Thực ra, năm 1991, lúc tôi còn học Ngoại thương, đọc các luật như Luật công ty, Luật đầu tư nước ngoài đã thấy đề cập đến vấn đề chuyển giao công nghệ. Nhưng 30 năm qua, chúng ta đã thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ thế nào?

Tôi nghĩ, công nghệ thông thường thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển giao ngay, nhưng công nghệ nguồn, liệu nước ngoài có chuyển giao cho chúng ta không lại là chuyện khác.

.Tôi thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam dường như cũng mang cả công nghệ sang đấy chứ!  

+ Nhưng như tôi nói, chuyển giao công nghệ nguồn vẫn là một vấn đề. Điện thoại Samsung hiện nay, dù giá trị gia tăng tại VN có thể lên tới 60% thế nhưng công nghệ nguồn thì thế nào?

Liệu điều này có giống câu chuyện 30 năm qua, các hãng xe hứa xây dựng cho Việt Nam nền công nghệ ô-tô chăng?

+ Đó là một câu chuyện dài. Nhưng tôi nghĩ, ngày nay có thể phải có cách khác để chuyển giao công nghệ thực sự. Vinfast là ví dụ như thế khi họ bỏ tiền nhập công nghệ của BMW…

Thực tế là các DN Việt Nam chưa làm được màn hình điện thoại. Các DN nước ngoài vẫn làm màn hình và bán lại cho Samsung. Liệu chúng ta có sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu USD để mua hẳn công nghệ đó thay vì cử người đi học, tự nghiên cứu và phát triển không?

Mẫu tô của Vifast vừa ra mắt

Mẫu tô của Vifast vừa ra mắt

15 năm trước khi còn ở Sài Gòn, tôi thấy có TVB đã sản xuất được tivi và các đồ điện tử…

+ Ở ngoài bắc thì khi có có Vietronics, Hanel… Nhưng giờ các thương hiệu đó đâu hay họ tập trung vào lĩnh vực gì? Nhiều doanh nghiệp điện tử khác hình như vẫn chỉ làm dây cáp, ổn áp điện hay gần đây hình như có tập trung vào máy phát điện. Điều này khác với cách phát triển của Samsung tại Hàn Quốc khi họ vươn ra cả lĩnh vực AI hay 5G…

Quay lại vấn đề FDI, ông nghĩ trọng tâm thu hút FDI hiện nay nên tập trung vào vấn đề gì?

+ Tôi nghĩ hướng mạnh về công nghệ và thị trường. Đây là những lĩnh vực Việt Nam đang rất cần để phát triển bền vững. Cũng bởi công nghệ và thị trường, không hẳn cứ có vốn là làm được. Những ví dụ về huy động nguồn vốn nước ngoài hàng trăm triệu USD mười mấy năm trước đầu tư và không mang lại hiệu quả đã có những bài học. Mặt khác, thực tế hiện nay đang diễn ra xu hướng FDI đang được thu hút vào lĩnh vực bất động sản chứ không phải là công nghệ.

Một dự án đô thị thông minh 4 tỷ USD có thể đưa một địa phương lên top đầu của thu hút FDI, một dự án điện than 2 tỷ USD có thể làm cho một tỉnh “đột phá” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng điều đó có mang lại giá trị thực sự cho phát triển bền vững không lại là vấn đề khác.

Tức là trọng tâm của FDI, theo Thứ trưởng, không nên chỉ là các con số hàng tỷ USD nữa chăng?

+ Thời điểm này, tôi nghĩ, chúng ta vẫn đang đặt trọng tâm vào vốn qua các con số thống kê, vì những con số cũng dễ điều chỉnh. Chúng ta cần tập trung vào các tính chất của các dự án.

 Nếu thu hút được các dự án thực sự đi vào sản xuất, các dự án công nghệ cao, có thể tạo ra phát triển bền vững, gắn kết các DN trong nước thì kỳ vọng về phát triển toàn diện mới đạt được.

Dường như có một “lo lắng” rằng, nếu công nghệ cao, AI thu hút được, thì điều này sẽ ảnh hưởng tới lao động, gây ra thất nghiệp?

+ Về lý thuyết là như thế, nhưng không phải bây giờ mới có những lo lắng ấy. Khi xuất hiện máy hơi nước, máy dệt, tình hình cũng tương tự như thế. Nhưng cũng từ đó mà các việc làm mới được tạo ra.

Khi xã hội phát triển thì sẽ phát sinh ra các ngành nghề mới, đáp ứng được các nhu cầu của con người. Ngày xưa làm gì có nghề mẫu thời trang, nhưng giờ đó là nghề hot.

Xin cảm ơn ông

Sáng 4-10, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN

Sáng 4-10, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tầm nhìn và cơ hội trong kỷ nguyên mới. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN

Sửa luật để dân sản xuất

 Luật Đầu tư có thể phải sửa đổi để làm sao người dân, doanh nghiệp không chỉ bỏ tiền vào động sản hay gửi tiết kiệm, mà sẵn sẵn sàng đầu tư vào những ngành tạo ra các việc làm mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới.

 Mặt khác, tôi cho rằng cần phải có cơ chế để các DN nước ngoài tại Việt Nam có thể tiến hành cổ phần hóa và người Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, dịch vụ hiện đại của thế giới. Khách sạn Deawoo và Hilton trước đây vốn 100% nước ngoài, giờ là 100% vốn trong nước.

 Nếu các ngành công nghệ cũng đi theo hướng cổ phần hóa như thế này thì chắc chắn chuyển giao công nghệ sẽ thêm một phương pháp mới, làm cho thu hút FDI thực sự đạt được mục tiêu trọng tâm là thu hút công nghệ cao trong thời điểm này.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng

CHÂN LUẬN

Theo PLO