Dầu mỏ Nga ‘ngấm’ cấm vận: Sản lượng giảm, tồn kho tăng, xuất khẩu khó

Thứ hai, 18/04/2022, 09:28 AM

Ngành dầu mỏ của Nga, ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, đem lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nga, đang gặp phải những thách thức nhất định, khi khách hàng phương Tây xa lánh dòng dầu của Nga.

041722-Dau-mo-Nga

 Nhà máy lọc dầu ở vùng Omsk thuộc Nga. Ảnh: Reuters

Chiến dịch quân sự mà Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine đang gây tác động cho chính ngành kinh tế then chốt của Nga: Các kho chứa dầu đang ở mức gần tuyệt đối; hạ tầng cùng với làn tuyến logistics không cho phép Nga xuất khẩu toàn bộ lượng dầu thô bị phương Tây xa lánh sang các nước như Trung Quốc, Ấn Độ; các nhà máy lọc dầu buộc phải giảm công suất, do sản phẩm làm ra phải chất kho. Hệ quả tất yếu là các công ty dầu mỏ Nga đang phải cắt giảm sản lượng khai thác.

Thực tế này diễn ra tại thời điểm Nga – nhân tố chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), được phép nâng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày theo thỏa thuận của liên minh, nằm trong kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ đã thống nhất.

Nga vẫn thu được khoản tiền lớn từ xuất khẩu dầu mỏ, nhờ vào giá dầu tăng cao. Ngành kinh tế này của Nga vẫn chưa chính thức bị trừng phạt, ngoại trừ Mỹ và Anh ban hành lệnh cấm mang tính biểu tượng vì không phải là nước nhập khẩu chính. Trước thời điểm nổ ra cuộc chiến, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là đầu mối nhập khẩu lớn, tiêu thụ 48% dầu thô xuất khẩu của Nga.

Nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều khách hàng châu Âu đã tìm cách “né” dầu thô Nga. Xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt mang lại 45% tổng thu ngân sách cho Nga. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), riêng xuất khẩu dầu thô mang về cho Nga khoản thu 700 triệu USD/ngày.

Tiền vẫn chảy về phía Nga, nhưng ngành dầu mỏ của nước này đã cho thấy tín hiệu suy yếu do các vòng trừng phạt của phương Tây bắt đầu ngấm hiệu lực. Tình hình có thể sẽ còn tệ hơn trong những tháng tới khi ngày càng có nhiều khách hàng né tránh dầu thô và các sản phẩm từ dầu thô của Nga.

Dữ liệu do Energy Intelligence cung cấp cho thấy xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Nga trong 10 ngày đầu tháng 4 này đạt ngưỡng sản lượng 10,365 triệu  thùng/ngày, thấp hơn 600.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong tháng 3, với 10,996 thùng/ngày.

Còn theo đánh giá dự báo của IEA, nguồn cung và xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ tiếp tục xuống thấp, với mức suy giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4, khi cấc nhà máy lọc dầu cắt giảm quy mô hoạt động, còn khách hàng tiếp tục có xu hướng né tránh nguồn dầu từ Nga, khiến mức tồn kho tại Nga tăng. Từ tháng 5 trở đi, sản lượng khai thác của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày do tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như hành động “tự cấm vận” của nhiều khách hàng. Cú “đình công” của khách mua hàng bắt đầu gây tác động, buộc một số nhà máy lọc dầu của Nga hoạt động cầm chừng. Theo Torbjorn Tornqvist, giám đốc điều hành hãng Gunvor, điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải xuất khẩu nhiều hơn dầu thô thay vì các sản phẩm lọc dầu, xăng dầu thành phẩm và điều này là không thể, khiến sản lượng khai thác của Nga sụt giảm

Trong thư gửi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mà tờ Kommersant (Thương gia) tiếp cận được hồi tháng trước, Vagit Alekperov – Chủ tịch hãng Lukoil, tập đoàn dầu mỏ lớn thứ hai tại Nga, cho biết sản lượng giao hàng của tập đoàn giảm, tồn kho sản phẩm xăng dầu tăng. Lãnh đạo Lukoil đề xuất hướng xử lý điều chuyển một phần lượng nhiên liệu này tới các nhà máy phát điện, nhằm tránh quá tải đối với năng lực kho chứa hệ thống.

Giới chuyên gia nhận định Nga không có được hệ thống kho chứa đủ lớn để lưu trữ dầu và các sản phẩm xăng dầu khi thị trường có biến động không thuận. Vì thế, khi đối diện với “các cuộc đình công” của khách hàng nhập khẩu, Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài giảm sản lượng dầu khai thác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin khẳng định Nga có thể tìm kiếm những khách hàng mới ở châu Á. Số này, đặc biệt là các đầu mối nhập khẩu ở Trung Quốc và Ấn Độ, đang đặt mua nhiều lô dầu thô của Nga mà phương Tây xa lánh. Nhưng những rào cản về logistics, chi phí vận tải cao, rủi ro bảo hiểm, bảo lãnh ngân hàng cùng với rắc rối trong phương thức thanh toán khiến khách hàng châu Á không thể đứng ra mua toàn bộ lượng dầu thô mà từ trước đến nay Nga vẫn thường xuất bán sang thị trường châu Âu.

Hoài Thanh/Báo Tin tức(Theo Oilprice)

Theo baotintuc.vn

largeer