Dập tắt tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội

Thứ ba, 18/06/2019, 13:45 PM

Thời gian qua mạng xã hội xuất hiện nhiều tin đồn, nhiều thông tin thất thiệt dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều, nhiều phản ứng kích động gây nhiều hệ luỵ tiêu cực. Để tin đồn thất thiệt, tin giả, tin xấu độc không còn đất sống, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng đưa ra thông điệp rõ ràng, thông tin chính xác đồng thời xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt.

Tin giả, tin đồn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội

Với sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mạng xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin được chia sẻ một cách nhanh chóng, tạo nên sự cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy cộng đồng hành động. Tuy nhiên, không gian mạng xã hội cũng có nhiều rủi ro do tính thiếu xác thực của thông tin.

Ngày 4/3/2019 thông tin chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami, bà Nguyễn Thị M.N. đăng tải thông tin về hình ảnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan sang người. Sau đó, người này đã phải thừa nhận thông tin trên là không đúng sự thật và đã bị Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xử phạt hành chính. Thời gian qua, rất nhiều người đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Mới đây, trong bài viết: “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng có nêu rõ:

Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ.

 Thông tin giả mạo trang mạng xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thông tin giả mạo trang mạng xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Giải pháp nào dẹp tin đồn thất thiệt?Trao đổi về vấn đề này với PV Lao Động, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội truyền đi một cách nhanh chóng thì việc xác định, thẩm định thông tin thật giả là điều rất quan trọng. Điểm lại một số vụ việc tin đồn gây ảnh hưởng, đặc biệt những thông tin tin đồn liên quan tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin chính khách trong thời gian qua gây xôn xao dư luận, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay cách tốt nhất để dập tắt tin đồn đó là “đưa ra thông tin chính thức, thông tin chính thống”. Các cơ quan chức năng cần xác định đó là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí để đưa thông tin, phản ánh đến bạn đọc, đây là điều rất cần thiết.

“Có hai điều cần phải lưu ý, đó là cần minh bạch thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng và rõ ràng để tránh xuất hiện tin đồn thất thiệt. Trong phạm vi thông tin được công bố, chúng ta cần phải làm ngay. Thứ hai đó là cần phải xử lý nghiêm những phần tử làm lộ, lọt thông tin, những thông tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

ThS.LS Đặng Văn Cường cho hay, trường hợp tài liệu, thông tin không phải là thông tin mật, tối mật, tuyệt mật thì người làm lộ, lọt thông tin với mục đích xấu gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân cũng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ, công chức, luật viên chức. Nếu việc làm lộ, lọt thông tin gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của công dân thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm.

VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG

Theo laodong.vn
Từ khóa: