Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Vẫn gây tranh cãi
CIEM đề xuất chưa đánh thuế với nước giải khát có đường, ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần đánh giá thêm tác động của nước giải khát có đường với sức khỏe con người
Ngày 17-10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường”.
Đề xuất chưa áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường
Trình bày báo cáo, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, khi áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành nước giải khát đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.
Đồng thời, việc áp thuế TTĐB còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức gần 0,45%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; lợi nhuận giảm giảm khoảng 8.773 tỷ đồng. Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp sụt giảm 2.152 tỷ đồng.
Theo bà Thảo, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Theo đó, Báo cáo này đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.
Lý do của đề xuất này được CIEM đưa ra là thời gian qua, doanh nghiệp ngành nước giải khát liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn.
Cùng với việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang đề xuất chuyển nhóm mặt hàng đường; phụ phẩm trong sản xuất đường từ nhóm đang áp dụng mức thuế suất GTGT 5% sang nhóm áp dụng thuế suất GTGT 10%. Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) cũng đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB.
Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như Bộ Tài chính đề xuất thì các doanh nghiệp nước giải khát sẽ cùng lúc chịu thêm nhiều sức ép lớn từ việc tăng chi phí nguyên liệu do giá đường tăng; tăng giá bán do tăng chi phí và bị áp thuế TTĐB. Doanh nghiệp ngành nước giải khát sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế khi mặt hàng nước giải khát có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Cần thêm nhiều nghiên cứu về tác động
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, khi chưa có đầy đủ các đánh giá tác động, VBA kiến nghị xem xét cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại lần sửa đổi này.
Một số doanh nghiệp cho biết thêm, nếu phân tích chuyên sâu, lượng đường gây ra bệnh béo phì không hoàn toàn đến từ nước giải khát. 5g/100ml không thể là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì. Trên thị trường có nhiều mặt hàng khác có hàm lượng đường cao như trà sữa, bánh kẹo, bánh trung thu… "Vậy có nên đánh thuế và đánh thuế như vậy liệu có công bằng?", bà Vân Anh đặt câu hỏi.
Phó trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp dụng với thuế TTĐB với nước giải khát có đường sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Theo bà Hà, cần có cơ sở đánh giá khoa học, cũng như có những bằng chứng thuyết phục hơn nữa về việc áp thuế hay không áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường.
“Chúng ta đưa ra chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam và sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng. Hiện nay cũng nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Vì vậy cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể. Nước giải khát có đường chỉ là một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì. Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, ít vận động… Và tại sao lại đưa ra ngưỡng đánh thuế với nước giải khát có đường ở mức 5g/100ml?”, bà Hà băn khoăn.
Trái ngược, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, những mặt hàng khác có đường không bị đánh thuế, bởi lượng tiêu dùng sử dụng không nhiều bằng nước giải khát. Người Việt Nam đang sử dụng nước giải khát nhiều lên, việc này hoàn toàn ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường.
Song, bà Cúc cũng cho rằng để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tăng thuế TTĐB chỉ là một phần, còn lại phải có các biện pháp khác quan trọng để định hướng hành vi, thay đổi tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế cũng đề xuất áp thuế với nước ngọt. Đơn cử, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng mức tăng như đề xuất của Bộ Tài chính còn "khiêm tốn", vì vậy họ khuyến nghị Bộ Tài chính đưa ra lộ trình tăng thuế đến 2030 để giá các sản phẩm nước ngọt tăng 20% do thuế. Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng thuế suất áp dụng cần ở mức 40% hoặc thuế tuyệt đối 7.000 đồng trên một lít nước ngọt.
-
Nhiều người bị ngộ độc thực phẩm: Chủ cơ sở bánh mỳ bị phạt 125 triệu đồng
-
Cảnh báo các trang facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến 30/6/2025
-
Trên 200.000 sản phẩm xâm phạm quyền nhãn hiệu Redbull bị thu giữ tại xưởng sản xuất ở Bắc Ninh
-
Lễ hội bánh mì TP HCM lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào 21/3/2025
-
6 trường hợp được lựa chọn hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần từ tháng 7/2025