Đang lùm xùm vẫn đòi tăng vốn hơn 500 tỉ, cảng Quy Nhơn muốn gì?
Vinalines đã báo cáo Bộ GTVT yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của cảng Quy Nhơn tại Đại hội cổ đông vào ngày 10/4 tới, để tránh gây khó khăn thêm cho quá trình thu hồi 75,01% cổ phần.
Lo tăng vốn gây khó việc thu hồi
Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn (QNP) vừa có thư mời Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4.
Đáng chú ý, trong các tờ trình được đưa ra lấy biểu quyết cổ đông, có tờ trình về việc tăng vốn điều lệ QNP từ 404,09 tỉ đồng lên 538,79 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2019. Hình thức tăng vốn là chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, với mục đích sử dụng vốn để đầu tư thực hiện mở rộng cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên, việc đề xuất tăng vốn của cảng Quy Nhơn diễn ra trong thời điểm thu hồi 75,01% cổ phần của công ty này từ nhà đầu tư công ty Hợp Thành về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang gặp vướng mắc về việc xác định giá trị đầu tư hoàn trả cho nhà đầu tư.
Phía Vinalines đã có báo cáo Bộ GTVT, yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của cảng Quy Nhơn tại Đại hội cổ đông vào ngày 10/4 tới, để tránh gây khó khăn thêm cho quá trình thu hồi 75,01% cổ phần.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn, kế hoạch tăng vốn điều lệ của cảng Quy Nhơn đã được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 nhằm mở rộng cảng, để có thể tiếp nhận lượng hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng.
Việc này không phải mới ‘nảy ra’ tại đại hội năm nay với mục đích làm khó tiến trình chuyển giao 75,01% cổ phần về cho nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Cảng bị quá tải gấp 3 lần
Phó Tổng giám đốc cảng Quy Nhơn cho rằng, lẽ ra kế hoạch tăng vốn điều lệ để mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch được UBND tỉnh Bình Định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2014, đã được thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, chưa thực hiện được bởi theo quy định thì cảng tổng hợp phải cách cảng xăng dầu tối thiếu 500m. Trong khi đó, cảng xăng dầu lại nằm ngay cạnh cảng Quy Nhơn nên việc mở rộng cảng Quy Nhơn là điểu chưa thể. Phải đợi đến lúc UBND tỉnh Bình Định di dời được cảng xăng dầu đi nơi khác và tiến hành cấp đất thì dự án mở rộng cảng Quy Nhơn mới được triển khai.
Ông Phúc cho hay, mặc dù đã đầu tư nhưng hiện nay cảng Quy Nhơn chỉ có 824m cầu cảng, trong khi lưu lượng hàng hóa thông qua cảng đến hơn 8 triệu tấn/năm, so chiều dài cầu cảng thì cảng Quy Nhơn bị quá tải gấp 3 lần. Vì vậy, mục đích của chủ trương tăng vốn điều lệ lần này là để xây dựng mở rộng cảng, thêm cầu tàu.
“Quan điểm của nhà đầu tư là không gây khó khăn trong thời điểm này và đang hợp tác rất tốt với Vinalines để thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 sắp diễn ra, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, Vinalines sẽ cử nhân sự tham gia trong Hội đồng quản trị và tiến trình chuyển giao vẫn tiếp diễn”, ông Phúc nói.
Chỉ mua lại cảng với giá bán ban đầu
Từng trả lời Dân Việt, một lãnh đạo Vinalines nói rằng, đơn vị này không chấp nhận mua lại 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn theo mức giá thị trường, mà chỉ chấp nhận mua lại với mức giá như ban đầu đã bán cho công ty Hợp Thành.
Còn các khoản như mất đi chi phí cơ hội hoặc lãi suất ngân hàng đối với số tiền trước kia nhà đầu tư bỏ ra để mua cảng thì sẽ được tính toán thêm.
Nếu thấy phù hợp, Vinalines sẽ báo cáo lên cấp trên phê duyệt, đồng ý chủ trương thì mới trả thêm khoản này cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, phải trên cơ sở phù hợp, nếu nhà đầu tư lợi dụng vào đó để tính toán thêm các khoản nữa thì không chấp nhận.
“Phía nhà đầu tư đã đề nghị, đến kỳ đại hội cổ đông lần này tại cảng Quy Nhơn thì Vinalines tham gia quản lý điều hành, họ sẽ bàn giao và rút không tham gia điều hành cảng nữa. Lúc này, tiền thì có sẵn rồi, chúng tôi quyết tâm sẽ thu hồi trước lúc đại hội cổ đông ở cảng Quy Nhơn diễn ra (khoảng tầm tháng 4/2019).
Tuy nhiên, vẫn còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước ở trên can thiệp đẩy nhanh tiến độ. Vì, thực tế đối với Vinalines khi đàm phán, nhiều lúc nhà đầu tư không đồng ý là quyền của họ”, lãnh đạo Vinalines nói.
Sau cổ phần hóa, dư luận rất bức xúc trước việc bán cảng Quy Nhơn giá bèo cho tư nhân. Trong khi, lãnh đạo tỉnh Bình Định đương chức liên tục ‘than phiền’ bởi gặp phải quá nhiều lúng túng trong câu chuyện quản lý và mong muốn nhà nước can thiệp, nắm lại cổ phần chi phối tại cảng.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ vi phạm, khuyết điểm của nhiều cá nhân, tổ chức trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân.
Bộ GTVT đã bán trái phép cổ phần nhà nước tại đơn vị này. Văn phòng Chính phủ, tỉnh Bình Định cũng bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm được nêu.
Đặc biệt, Thanh tra kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu nhà nước vì Bộ này đã ban hành hai văn bản chuyển nhượng 26,01% cổ phần và 49% cổ phần tại công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, trái thẩm quyền, vi phạm quy định.
Ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã ký quyết định Bộ GTVT hủy bỏ 2 văn bản hành chính trái luật nêu trên. Ngoài ra, Vinalines phải đàm phán để lấy lại 75,01% cổ phần từ công ty Hợp Thành về lại sở hữu nhà nước.
Dũ Tuấn
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội