Đại gia nghìn tỷ khu đô thị An Phú - An Khánh bị “tố” bội tín?

Thứ tư, 28/03/2018, 12:09 PM

Báo Bảo vệ pháp luật nhận được đơn của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đông Tây “tố” Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) “bội tín” do không thực hiện việc sang tên, chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã ký kết. Hơn nữa, khi giá đất tăng vọt, HDTC còn bị cho là tìm cách hủy hợp đồng đã ký từ hơn 10 năm trước nhằm chiếm lại khu đất?

Chây ỳ không làm thủ tục chuyển “sổ đỏ”?

Theo hồ sơ Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đông Tây (Cty Đông Tây - đơn vị hợp tác đầu tư và được Công ty Cổ phần Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn ủy quyền) cung cấp, cho thấy: Ngày 01/12/2005, Công ty Cổ phần Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (sau đây viết tắt là Cty SGCL) và Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (nay là Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà, sau đây viết tắt là Cty HDTC) ký kết Hợp đồng số 1861/HĐCN về việc nhận chuyển nhượng QSDĐ lô D9, với diện tích 3.603m2 (giá 1,45 triệu đồng/m2) thuộc khu D của dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, quận 2.

Ngày 08/12/2005, Cty SGCL đã thanh toán số tiền 1.044.870.000 đồng cho Cty HDTC. Theo hợp đồng, Cty HDTC cam kết bàn giao khu đất D9 cho Cty SGCL trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận tiền đợt 1, trường hợp chậm giao đất thì sẽ thanh toán tiền lãi trên số tiền đã nhận. Tuy nhiên, Cty HDTC đã không thực hiện bàn giao khu đất như đã ký kết.

7 năm sau, ngày 29/10/2012, hai bên đã ký Phụ lục hợp đồng số 1861A/2012/PLHĐCNQSDĐ về việc Cty SGCL nhận chuyển nhượng lô đất CC06-2 có diện tích là 5.719m2 với giá trị 70.364.536.231 đồng, thay thế cho lô D9 thuộc khu D của dự án Khu đô thị An Phú – An Khánh do Cty HDTC chưa tiến hành đền bù giải tỏa được. Sau đó, Cty HDTC đã tiến hành bàn giao lô đất CC06-2 cho Cty SGCL để nhận và quản lý tài sản theo Biên bản giao đất và mốc công trình số 47/BBGĐ-KHKD.

Tuy nhiên, theo Cty Đông Tây thì tính đến thời điểm Cty HDTC bàn giao khu đất cho Cty SGCL đã chậm hơn 7 năm so với thỏa thuận trong Hợp đồng số 1861/HĐCN ngày 01/12/2005. Bên cạnh đó, theo Phụ lục hợp đồng số 1861B/2012/PLHĐCNQSDĐ ngày 24/12/2012, Cty HDTC có trách nhiệm bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên Cty SGCL trong thời gian 32 tháng kể từ khi bàn giao khu đất. Thế nhưng, đến ngày 04/01/2016 mới chỉ hoàn thành GCNQSDĐ mang tên của Cty HDTC mà chưa hoàn tất thủ tục sang tên cho Cty SGCL, đến nay đã chậm 26 tháng. 

“Điều quan trọng, tại GCNQSDĐ cấp cho Cty HDTC (lô CC06-2), ở mục số 6, trang 2 có nội dung: “Công ty có trách nhiệm thực hiện ngay thủ tục chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng đã nhận chuyển nhượng theo quy định”. Nội dung rõ ràng vậy, tuy nhiên Cty HDTC đã chây ỳ không làm thủ tục chuyển tên cho Cty SGCL”, Cty Đông Tây nêu rõ. 

Đòi hủy hợp đồng để lấy lại “đất vàng”

Được biết, vào năm 2016, theo chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà đã tiến hành cổ phần hóa và bán cổ phiếu cho ông Đinh Trường Chinh với tổng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng (chiếm 70% cổ phần). Cũng từ đây, ông Chinh chính thức trở thành cổ đông lớn nhất công ty này và đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (Cty HDTC).

Đất vàng bỏ hoang khiến doanh nghiệp điêu đứng. 

Đất vàng bỏ hoang khiến doanh nghiệp điêu đứng. 

Tuy nhiên, khi giá đất đã tăng cao thì ngày 12/5/2016, Cty HDTC đã gửi Công văn số 18/2016/CV-HĐTC cho Cty SGCL để yêu cầu đơn phương chấm dứt Hợp đồng số 1861/HĐCN ngày 01/12/2005 và các Phụ lục đi kèm với lý do Cty SGCL chậm thanh toán 03 đợt. 

Đại diện Cty Đông Tây khẳng định, Cty SGCL không hề vi phạm về nghĩa vụ thanh toán. Bởi theo Biên bản làm việc số 60/BB-KHKD ngày 15/1/2016, hai bên cũng đã nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc của cả hai công ty trong quá trình triển khai Hợp đồng 1861/HĐCN ngày 01/12/2005; và các bên đã thống nhất sẽ thực hiện các nội dung thỏa thuận của biên bản và biên bản này là cơ sở pháp lý cuối cùng để các bên thực hiện các công việc còn lại của hợp đồng.

Theo Cty Đông Tây, “Tại buổi làm việc này, hai bên đã xác định nghĩa vụ trả lãi của Cty SGCL cho số tiền thanh toán chậm là 1.363.274.800 đồng. Tính đến thời điểm 13/4/2016, Cty SGCL đã thanh toán 55.255.176.000 đồng trên nghĩa vụ phải thanh toán là 56.291.630.000 đồng, đạt tỷ lệ 98,16%. Về số tiền còn nợ đợt 6 là 1.036.454.000 đồng và lãi chậm thanh toán các đợt trước là 1.363.274.800 đồng theo Biên bản làm việc số 60/BB-KHKD ngày 15/1/2016, Cty SGCL cũng đã thanh toán trong năm 2016”, Cty Đông Tây khẳng định.

Bên cạnh đó, Cty Đông Tây cũng lý giải, căn cứ vào hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký, tính đến trước thời điểm ông Đinh Trường Chinh mua cổ phần của Cty HDTC, Cty SGCL đã thanh toán đủ cả 6 đợt theo nghĩa vụ trong hợp đồng. Trong khi đó, chỉ còn đợt cuối (đợt 7) chưa đến thời hạn thanh toán vì Cty HDTC chưa bàn giao GCNQSDĐ cho Cty SGCL như thỏa thuận, do đó chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán. Điều này được quy định tại trang 4, điều 3.2 Phụ lục hợp đồng số 1861A/2012/PLHĐCNQSDĐ ngày 29/10/2012 rằng: “20% giá trị chuyển nhượng khu đất còn lại tương ứng số tiền 14.072.906.231 đồng bên B (Cty  SGCL – PV) thanh toán cho bên A (Cty HDTC - PV) khi bên B nhận GCNQSDĐ của khu đất”.

Tất cả thỏa thuận, nội dung hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các biên bản làm việc rõ ràng vậy, tuy nhiên, bất ngờ ngày 24/2/2017, Cty SGCL nhận được Thông báo số 6/2017/TB-TA của TAND Quận 2 về việc thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của Cty HDTC đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng và các Phụ lục hợp đồng giữa hai công ty.

Trước sự việc trên, đại diện Cty Đông Tây bức xúc: “Thực tế từ thời điểm Cty HDTC bàn giao khu đất CC06-2 vào ngày 27/12/2012 cho Cty SGCL, tại điều khoản 5.1.3 của Phụ lục hợp đồng số 1861A/2012/PLHĐCNQSDĐ quy định rõ: “Bên A (Cty HDTC) sẽ bàn giao GCNQSDĐ cho bên B (Cty SGCL) trong vòng 30 tháng kể từ khi bàn giao khu đất” tới nay đã là tháng 3/2018, Cty HDTC vẫn chưa làm thủ tục chuyển tên trên GCNQSDĐ cho Cty SGCL khiến dự án không thể triển khai, gây thiệt hại rất lớn cho Cty SGCL. Như vậy, Cty HDTC mới chính là đơn vị cố tình vi phạm hợp đồng”.

Được biết, ngay sau khi nhận được thông báo bị khởi kiện, Cty SGCL cũng đã có đơn yêu cầu phản tố gửi TAND quận 2 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Phong

Theo Baovephapluat