Đại gia đua nhau làm nhà gỗ

Chủ nhật, 13/05/2018, 08:08 AM

Nhiều đại gia, kể cả cán bộ, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh Tây Nguyên không ngần ngại chi hàng tỉ đồng để làm những căn biệt thự bằng gỗ rộng lớn.

Bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, những cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Và một cảnh trái ngược, những căn biệt thự gỗ bề thế, hoành tráng xuất hiện ngày càng nhiều ở xứ sở này.

Đầu nậu làm nhà gỗ

Huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai nằm tiếp giáp với nước bạn Campuchia và tỉnh Kon Tum là những nơi vẫn còn diện tích rừng tự nhiên rất lớn. Những năm qua, huyện này là địa bàn "nóng" về vận chuyển gỗ lậu. Vào tháng 1-2018, lực lượng chức năng huyện Ia Grai đã phát hiện vụ cất giấu trên 10,7 m3 gỗ lậu dưới lòng hồ thủy điện Sê San 3A (làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Số gỗ này được trục vớt nhưng chủ tang vật cũng như nguồn gốc gỗ thì không xác định được.

Là khu vực "nóng" về việc vận chuyển gỗ, huyện Ia Grai cũng trở thành trung tâm của việc buôn bán gỗ khi không chỉ có người địa phương, các đầu nậu từ khắp nơi kéo về đây thu mua gỗ để kiếm lời. Từ đó, nhiều người đã giàu lên một các nhanh chóng, sẵn sàng thiết kế, xây dựng cho mình những căn biệt thự gỗ bề thế, hoành tráng.

Căn nhà gỗ xây dựng trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Đình Thuận

Căn nhà gỗ xây dựng trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Đình Thuận

Theo Tỉnh lộ 664, từ trung tâm huyện Ia Grai vào tới xã Ia O (huyện Ia Grai), đoạn đường chỉ dài chừng 50 km nhưng có rất nhiều căn nhà gỗ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong số này, căn nhà của một người tên N. (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) chẳng khác một biệt phủ với phần cổng toàn bằng những thân cây gỗ lớn, các cánh cửa điêu khắc hoa văn tinh tế.

Tại xã Ia Krái, vừa xuất hiện 2 căn nhà gỗ mới của ông K.Đ và ông P.T. Tuy nhiên, theo nhiều người dân địa phương, 2 căn nhà này chẳng nhằm nhò gì nếu so với căn nhà mà ông Q.C đang xây dựng. Tại xưởng gỗ công trình nằm bên bờ hồ gần móng căn nhà đang xây, hàng chục thợ mộc ngày đêm đục đẽo những thân gỗ lớn để làm khung cho căn nhà. Nhiều lúc trong xưởng chật chỗ, gỗ được kê ra sát mép đường để tiện cho việc đục đẽo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ những căn nhà tại khu vực này đều là những người có thâm niên mua bán gỗ trong khu vực và tỉnh Gia Lai.

Choáng ngợp nhà "quan" xã

Không chỉ có đầu nậu, nhiều cán bộ cũng sở hữu cho mình những căn nhà gỗ quý, giá trị hàng tỉ đồng.

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai với các xã như Chư Drăng, xã Uar, xã Ia Rsai… là một trong những điểm nóng về tình hình khai thác gỗ trái phép. Ngay tại những xã này, nhiều cán bộ xã thi nhau làm những căn nhà gỗ giá trị.

Căn nhà của ông H.M.P, cán bộ xã Ia Rsai, nổi bật giữa hàng trăm nóc nhà dân thấp lèo tèo ngay trung tâm xã này. Căn nhà được bao bọc kín đáo bởi bức tường xây kiên cố. Nhà chính được thiết kế theo dạng 3 gian, mái lợp ngói. Bên trong căn nhà chính, người xem cảm giác choáng ngợp bởi được làm từ rất nhiều khúc gỗ quý, chạm trổ tinh vi cùng nhiều vật dụng trang trí bằng gỗ. Hai bên nhà chính là các khung gỗ được dựng từ nhiều cột gỗ lớn làm nơi thư giãn, sinh hoạt của gia đình.

Một căn nhà gỗ tại địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Một căn nhà gỗ tại địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Ông P. khoe rằng làm toàn bộ khu nhà không phải dùng tới "một cây đinh". Thợ làm nhà cũng phải thuê người có tay nghề cao từ Phú Yên, làm liên tục trong nhiều tháng và mất tới hơn 2,2 tỉ đồng tiền công. Nói về số gỗ để làm nhà, ông P. cho rằng tích góp trong nhiều năm từ người địa phương mang bán.

Cách nhà ông P. không xa, căn nhà kết cấu dạng gỗ của ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsai, được xây dựng trên đất "không hợp pháp" vì sang nhượng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn nhà có tầng trệt tường xây, tầng 2 làm hoàn toàn bằng gỗ. Trang trí xung quanh là nhiều đồ dùng, cây nu gỗ. Ông Thuận bảo số gỗ làm nhà được mua lại từ nhiều nhà sàn của người dân địa phương, sau đó về tu sửa mà thành.

 Tuy nhiên, độ hoành tráng của 2 căn nhà trên không thể so bì với nhà gỗ 2 tầng, 5 gian của ông H.X.M, cán bộ xã Uar, huyện Krông Pa. Vào năm 2015, căn nhà đã từng gây xôn xao dư luận khi được chụp ảnh, tung lên mạng xã hội.

Cán bộ cấp cơ sở làm được, cán bộ cấp tỉnh còn làm nhà hoành tráng hơn. Vào năm 2016, phóng viên từng được chiêm ngưỡng căn nhà của ông Phạm Thanh Hà (khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum), tại xã Đắk Cấm, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Hiện tại, trong lúc gỗ quý ngày càng hiếm, căn nhà của ông Hà càng thêm phần giá trị. Trong khuôn viên rộng lớn, ngôi nhà của ông chia thành nhiều khu, nằm trên mặt hồ sen tuyệt đẹp. Theo ông Hà, mảnh đất ông mua của nhiều người, nhiều giai đoạn đến năm 2011 thì gộp lại thành một. Sau khi mua, ông xây dựng, tu sửa nhà nhiều lần, nhiều giai đoạn.

Không chỉ ông Hà, nhiều cán bộ khác của tỉnh Kon Tum cũng đang ở trong những căn nhà gỗ sang trọng, như căn nhà trên đường Bà Triệu, TP Kon Tum của ông Nguyễn Hữu Nho - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum…

Trong lúc gỗ ngày càng khan hiếm, những ngôi nhà, biệt thự gỗ nguy nga cứ thế mọc lên ở xứ sở rừng núi Tây Nguyên. 

Tiếp tay cho lâm tặc?

Một đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai cho rằng việc nhiều gia đình thi nhau làm nhà gỗ vô tình tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Theo vị đại biểu HĐND này, hiện nay, không chỉ các đại gia mà hầu hết ai cũng làm nhà gỗ vì mát mẻ, tốt cho sức khỏe. Với một số người, nó còn thể hiện "đẳng cấp" và sự giàu sang. Nhà càng to, càng đẹp, càng nhiều gỗ quý thì chứng tỏ người đó có nhiều tiền. "Nhu cầu này là chính đáng nhưng vô tình tiếp tay cho lâm tặc vào phá rừng. Gỗ rừng bây giờ quý hiếm, đắt đỏ nên chỉ có những đại gia, quan chức lắm tiền thì mới làm được chứ người dân nghèo thì lấy đâu ra tiền mà làm" - vị này nói.

Một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Krông Pa, tỉnh Gia Lai cho rằng tại địa phương, người dân có nhu cầu làm nhà mới mà bán đi các khung nhà bằng gỗ cũ sẽ được xác nhận, cho phép vì là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số trường hợp trà trộn gỗ lậu vào để mua bán theo dạng này. Trong khi đó, ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, thừa nhận lâu nay việc người dân làm nhà gỗ, cơ quan này chưa có thời gian đi kiểm tra. Hơn nữa, việc làm nhà mà lực lượng kiểm lâm vào kiểm tra thì cũng rất phức tạp. Trong thời gian tới, hạt sẽ kết hợp với các ngành chức năng khác để cùng kiểm tra.

Hạt trưởng một huyện tại tỉnh Kon Tum cũng cho rằng thời gian qua, trên địa bàn có rất nhiều ngôi nhà bằng gỗ được xây dựng. Tuy nhiên, việc kiểm tra lại rất khó chứ không phải nói cái là có thể làm ngay được. Vị hạt trưởng này chia sẻ: "Nếu phát hiện người ta cất giấu gỗ lậu thì mình kiểm tra được ngay. Nhưng khi gỗ làm thành nhà thì đã là tài sản sở hữu cá nhân, mà như vậy không thể muốn kiểm tra là kiểm tra được".

Vị cán bộ kiểm lâm này còn nêu khó khăn sau khi những khối gỗ đã làm thành nhà, nếu kiểm tra, truy xét nguồn gốc cũng rất nan giải vì họ có thể khai mua gỗ từ các đơn vị hợp pháp nhưng đã mất hoặc không lấy hóa đơn.

Hoàng Thanh

Theo NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su/dai-gia-dua-nhau-lam-nha-go-20180512212756553.htm