“Đặc khu kinh tế mà 1 người làm, 5 người “nắm gáy”, sao đủ mạnh?
“Đặc khu kinh tế mà ràng buộc với nhiều cơ quan, nhiều tầng nấc giám sát khác nhau thì sẽ sinh ra đủ loại nghị quyết, chỉ đạo, rồi phải họp hành, phải báo cáo, phải xin ý kiến, phải chờ duyệt… không thể “quyết” được việc” - ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịchUBND, Phó Trưởng đoàn ĐB QH tỉnh Quảng Trị trao đổi.
Còn nhiều ràng buộc nghĩa là cải cách chưa đủ mạnh
- Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), có ý kiến khuyến nghị xây dựng đặc khu kinh tế tại TPHCM và Hà Nội để làm hai “đầu tàu” kéo nền kinh tế thay vì làm tại Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong như dự thảo luật đề ra hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Theo tôi, ý kiến đề nghị đưa đặc khu về TPHCM, Hà Nội có cái lý của nó. Trước hết, làm đặc khu tại đây để làm đầu tàu kéo, để tạo những cú hích mới cho cả nền kinh tế cất cánh đi lên. Thứ 2, những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có nguồn lực để đầu tư làm đặc khu xứng tầm. Nếu đặc khu nằm ở những địa phương còn khó khăn thì chưa đủ tầm để đầu tư cũng như kêu gọi thu hút đầu tư, tạo các hành lang thu hút đầu tư hay cơ chế đủ mạnh để các đơn vị này vươn lên.
Tuy nhiên, về nguyên lý, đặc khu thể hiện tính đặc thù, riêng biệt.Chí ít nó cũng phải là một vùng độc lập chứ nếu nằm trong lòng Hà Nội, TPHCM thì khó thể nghiệm, áp dụng những thể chế mới mẻ, khác biệt, đột phá.
- Thực hiện mô hình đặc khu ở những nơi khu biệt để có những “phòng thí nghiệm” thể chế, cả về hành chính lẫn kinh tế như ông nói, ông mong muốn, tính khác biệt, đột phá tại đây sẽ được thể hiện thế nào?
- Giai đoạn hiện nay, để có những khu kinh tế đặc biệt, cần mạnh dạn đưa ra những chủ trương, chính sách ưu tiên, ưu đãi mang tính đặc thù để kêu gọi thu hút đầu tư cũng như làm những mô hình thí điểm về thể chế chính sách mới thành công.
Còn nếu đưa vào luật về nhiều cơ quan để giám sát, quản lý, ràng buộc thì nghĩa là chưa đủ mạnh trong cải cách về thể chế. Một cơ quan làm mà có đến 2-3 cơ quan giám sát, một người làm có đến 5 người “nắm gáy” thì sao có một cơ chế với sự phân công quyền lực đủ mạnh cho người đứng đầu đặc khu.
Đột phá khác là về chính sách ưu đãi, thu hút, như thủ tục thuê đất, cấp phép, chứng nhận đầu tư, chính sách ưu đãi về thuế… theo tôi cũng cần phải mạnh dạn áp dụng như một số nước đã làm đặc khu thành công trên thế giới.
- Về nhiều nghi ngại, cảnh báo đưa ra thì sao, thưa ông?
- Chúng ta không nên lo ngại vì mọi hoạt động trong đặc khu, xét cho cùng, đều phải tuân thủ đúng theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đừng lo ngại sự lạm dụng quyền lực hay sợ việc ảnh hưởng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ… nếu ta vẫn thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành.
Chúng ta ban hành luật này là để có cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực hiện mô hình một nền kinh tế mở trong thời kỳ hội nhập, không nên lo lắng băn khoăn nhiều quá. Nếu không khéo có khi thành ra luật này lại không thông thoáng, những đặc khu này lại không linh hoạt, không đủ sự hấp dẫn để thu hút đầu tư bằng những vùng khác.
Theo tôi, chúng ta cứ nên ban hành luật và triển khai thực hiện, quá trình làm nếu thấy gì chưa phù hợp, gây ảnh hưởng thì chúng ta tiếp tục điều chỉnh được mà. Không cần phải lo lắng quá.Đến Hiến pháp, khi không còn phù hợp thực tế cuộc sống chúng ta còn sửa được thì làm gì mà không thể điều chỉnh với một đạo luật như luật đặc khu.
Nhiều tầng quản lý sẽ phát sinh đủ loại họp hành, chỉ đạo
- Nhiều năm trước, Singapore đã thành lập đặc khu trong khi nước này có dân số chưa bằng một tỉnh lớn của Việt Nam (như Thanh Hoá), có diện tích chỉ nhỉnh hơn Phú Quốc đôi chút. Ở đó, họ đầu tư gần 5 tỷ USD, tính ra vài trăm USD/m2 (chưa tính tiền giải phóng mặt bằng) để chuyên phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí. Việc làm đặc khu này giúp du lịch Singapore tăng tốc và đến nay, đặc khu này được coi là rất thành công. Đối chiếu với những điều kiện của Việt Nam hiện nay, đã đủ các yếu tố cần thiết để xây dựng, vận hành các đặc khu kinh tế?
- Với Việt Nam, tôi nghĩ làm đặc khu lúc này là cần thiết. Chúng ta cần ban hành luật và bắt tay ngay vào xây dựng các đặc khu. So với các nước lân cận như Singapore, Trung Quốc hay một số nước đã làm đặc khu kinh tế từ lâu và rất thành công, ta nên học hỏi từ những mô hình đó để xây dựng 1-3 đặc khu ở Việt Nam, tương tự như các nước, để tạo động lực lan toả cho nền kinh tế. Đó sẽ là những mô hình điểm về sự đặc biệt, cả về hành chính, kinh tế.
- Việt Nam đã chậm chân trong việc này và vì thế, thách thức lớn nhất cần giải quyết chính là làm sao cạnh tranh được với rất nhiều đặc khu đã thành công trong khu vực. Ở thế không thể chần chừ thêm thì theo ông, những việc gì có thể triển khai ngay để khi luật được thông qua có thể áp dụng, vận hành ngay mô hình trên thực tế?
- Đúng là chúng ta đã hơi chậm, đáng ra phải quyết làm đặc khu từ sớm hơn rồi.Luật thì Quốc hội cũng đã bàn, đã nêu ra qua 2 kỳ họp.Theo tôi thì việc đầu tiên cần tập trung hoàn thiện là cơ chế, cần phân cấp, phân quyền cho mạnh cho người đứng đầu đặc khu, để người ta có cơ sở, mạnh dạn lựa chọn các nhà đầu tư cũng như qyết sách trong các lĩnh vực đầu tư của đặc khu đấy.
Sau nữa, về kinh tế, đặc khu phải được dành ưu tiên, nổi trội hơn các nơi khác về nguồn lực để đầu tư, làm hạ tầng cho đồng bộ, giải phóng mặt bằng sạch để kêu gọi, hấp dẫn nhà đầu tư.
Việc khác nữa là hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ cho mỗi đặc khu.Có như vậy thì mới tạo ra được sự đột phá đi lên, tạo cú hích để khu vực đó cất cánh được.
- Đã từng có thời gian dài đảm nhiệm chức vụ quản lý các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu – mô hình khá gần với một đặc khu kinh tế (ông Hà Sỹ Đồng nguyên là Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị), vậy theo ông, cái cần nhất với người đứng đầu đặc khu là gì?
- Trước hết, người đứng đầu đặc khu phải được giao thẩm quyền, được phân cấp mạnh mà theo tôi, không cần phải tổ chức HĐND làm gì vì việc giám sát đã có cấp trên rồi, rất nhiều tầng nấc chứ có phải chúng ta buông hoàn toàn đâu. Khi có dấu hiệu, cấp trên hoàn toàn có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, ghìm cương, để người đứng đầu đặc khu đi đúng hướng, thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Nếu ràng buộc với nhiều cơ quan, nhiều tầng nấc giám sát khác nhau thì sẽ sinh ra đủ loại nghị quyết, chỉ đạo, rồi phải họp hành, phải báo cáo, phải xin ý kiến, phải chờ duyệt… không thể tập trung quyền lực, không “quyết” được việc.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thái Anh/ Dân Trí
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội