Cuộc chiến thương mại đẩy giá xe ô tô tăng

Thứ sáu, 24/08/2018, 14:46 PM

Người ta chưa biết cường độ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đến mức nào, nhưng danh sách những công ty bị ảnh hưởng đã được liệt kê, trong đó có các công ty sản xuất xe ô tô và thực phẩm. Các hãng xe đang tăng giá bán của một số mẫu xe của mình trước ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại này.

 Các hãng xe, trong đó có Tesla, đã nâng giá một số mẫu xe của mình nhằm bù đắp phần doanh thu xuất khẩu xe sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các hãng xe, trong đó có Tesla, đã nâng giá một số mẫu xe của mình nhằm bù đắp phần doanh thu xuất khẩu xe sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tăng cường độ

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới có thể được khởi phát nhằm tạo ra một sự cân bằng về thương mại vốn từ lâu nghiêng về phía Trung Quốc. Lúc đầu người ta nghĩ rằng Mỹ đã coi cuộc chiến thương mại như một chuyển động trước bầu cử giữa kỳ tại đất nước này, nhưng xem ra những biện pháp áp dụng mỗi lúc một gia tăng cường độ khả dĩ tạo nên những thiệt hại to lớn và hậu quả kéo dài ở cả hai nền kinh tế, và cuối cùng là xác định tầm ảnh hưởng quốc tế của mỗi bên trong cuộc chiến.

Hôm 3/8, Trung Quốc cho biết sẽ nâng đợt thuế mới lên 5.200 sản phẩm của Mỹ nếu nước này áp đặt lệnh tăng 25% thuế lên 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Trung Quốc. Những dấu hiệu về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ ngày 23/3 khi Mỹ áp thuế tăng thêm lên 3 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Phải đến 2/4 Trung Quốc mới đưa ra đươc biện pháp đáp trả tương tự, nhưng ngay hôm sau Mỹ đưa ra danh sách dự kiến tăng thuế lên 46 tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc, và danh sách này được bổ sung lên 50 tỉ đô la vào ngày 15/6 theo sau việc Trung Quốc cũng lên danh sách tăng thuế đối với 50 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ. Cuộc đối đầu mỗi lúc một nóng khi ngày 5/4, Mỹ đưa thêm danh sách mới đối với 100 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và đến ngày 18/6 thì nâng danh sách hàng hóa này lên mức 200 tỉ đô la.

Cuộc chiến nêu trên, tuy phần lớn vẫn nằm trên những lời tuyên bố hăm dọa, nhưng danh sách những nạn nhân đầu tiên đã được ghi nhận, trong đó có các hãng xe, các công ty thực phẩm, các công ty Trung Quốc xuất hàng qua Mỹ, các công ty có nhà máy tại Trung Quốc, và lẽ dĩ nhiên sự xáo trộn nơi nền kinh tế thế giới. Kỹ nghệ xe hơi của Mỹ xem ra bị ảnh hưởng nặng. Ba đại gia trong ngành là Ford, General Motors và Fiat Chrysler đều tức thời hạ thấp dự báo về kết quả kinh doanh cho năm 2018. Vào tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cắt giảm từ 15-25% thuế nhập xe từ Mỹ nhằm làm dịu tình hình, nhưng sau thời gian ngắn lại tăng mạnh thuế nhằm đáp trả danh sách tăng thuế mới của Mỹ.

Không chỉ các hãng xe bị ảnh hưởng

Nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Anh Quốc, Jaguar Land Rover, cũng công bố mức lỗ mới theo sau việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu. Trong khi đó BMW và Tesla đều nâng giá một số kiểu xe của họ nhằm bù đắp phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Mức thuế 25% Mỹ áp cho hơn 810 mặt hàng của Trung Quốc, trong đó có nhiều sản phẩm linh kiện điện tử, làm tăng chi phí sản xuất cho các công ty Mỹ, nhất là các hãng xe Mỹ vì các công ty này đặt các công ty ở Trung Quốc gia công khoảng 30% linh kiện điện tử của họ chẳng hạn như chip và điện trở, tụ điện sử dụng trong mạch điện của ô tô. Ngày 9/7, hãng xe điện Tesla đã nâng giá bán hai dòng xe Model S và Model X ở thị trường Trung Quốc thêm khoảng 20%. Giá Model S tăng từ 107.400 đô la từ 128.500 đô la, trong khi đó, giá Model X tăng từ 200.000 đô la lên 240.000 đô la.

Bà Anna-Marie Baisden, Giám đốc công ty nghiên cứu Fitch Solutions, nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy một số nhà sản xuất xe, bao gồm Tesla đang đẩy mạnh đầu tư vào các nhà sản xuất tại Trung Quốc nhằm tránh thuế nhập khẩu”. Trong khi đó, công ty sản xuất xe máy Harley-Davidson cũng có ý định đưa nhà máy ra nước ngoài để tránh những tai vạ theo sau việc Mỹ cũng đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu.

Một số công ty thực phẩm và thức uống cũng đã hạ thấp dự báo của họ và điều chỉnh giá bán để đối phó với tình trạng hiện hữu. Công ty thực phẩm Tyson Foods cắt bớt dự báo lợi nhuận. Công ty rượu Brown-Forman nâng giá bán các sản phẩm rượu của mình để đối phó với biến động thị trường tại một số nước châu Âu, sau khi châu Âu, Mexico và Canada cũng trả đũa Mỹ về việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm.

Cuộc chiến thương mại cũng đã ảnh hưởng hoạt động sản xuất ở Trung Quốc khi hầu hết nhà sản xuất cũng như công ty xuất nhập khẩu chưa biết những gì sẽ xảy ra. Danh sách hàng hóa từ Trung Quốc bị đánh thêm thuế khá dài, và điều này cho thấy việc sản xuất ở Trung Quốc lệ thuộc rất nhiều vào Mỹ như một thị trường tiêu thụ chính vốn từ lâu vẫn tỏ ra hào phóng, nhưng nay thì họ muốn cân bằng lại cán cân thương mại. Một số công ty như Toymaker Hasbro đang dời nhà máy khỏi Trung Quốc, và tập đoàn Honeywell đang tìm các nhà cung cấp khác bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu cùng các nước phương Tây đang có cơ hội giải quyết thì giữa Mỹ và Trung Quốc chưa biết sẽ kết thúc ra sao. Nhưng trong những cuộc chiến rộng lớn và leo thang này thì toàn cảnh nền kinh tế thế giới đang bị xao động. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng mức độ tăng trưởng toàn cầu có thể bị giảm đến 0,5% vào năm 2020. Những báo cáo riêng lẻ cũng cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 chậm lại. Trong khi đó ngân hàng Morgan Stanley dự báo những cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ làm giảm đến 0,81% điểm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và phải đến 2019 mới mong hồi phục được, trong trường hợp mọi chuyện dừng lại tại đây.

Hoàng Việt

SGTT