“Cuộc chiến” taxi: Cùng nhau thua lỗ, vậy ai hưởng lợi?
“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ diễn ra trong nhiều năm qua được coi là nguyên nhân chính khiến taxi truyền thống lao đao. Thế nhưng trên thực tế, không chỉ Mai Linh, Vinasun... xuống dốc, Grab cũng liên tục gánh thua lỗ. Vậy, ai là người hưởng lợi trong “cuộc chiến” này?
Trong nửa thập niên trở lại đây, taxi công nghệ làm mưa làm gió trên thị trường vận tải. Loại hình dịch vụ mới này được cho là nguyên nhân khiến các hãng taxi truyền thống lao đao. Trong đó, “nạn nhân” lớn nhất là CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và CTCP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh).
Dư luận nhắc nhiều và “thương” taxi truyền thống. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng biết dù chiếm được thị phần nhưng Grab cũng liên tục thua lỗ. Kinh doanh không hoặc chưa kiếm được lợi nhuận, vậy Grab vẫn thừa thắng xông lên để làm gì?
Cùng nhau thua lỗ
Khi taxi công nghệ mới xuất hiện tại Việt Nam với 2 đại diện là Uber và Grab, người tiêu dùng đón nhận với thái độ e dè. Vì vậy, trong thời gian đầu tiên, taxi truyền thống vẫn “sống khỏe”. Tuy nhiên, đến năm thứ 2, khi Uber và Grab chứng minh được những tiện ích của mình, taxi truyền thống mới “thấm mệt”. Từ đó đến nay, “cuộc chiến” giữa 2 loại hình vận tải này liên tục diễn ra gay gắt với phần thua nghiêng về taxi truyền thống.
5 năm kể từ khi Uber và Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, tới giữa năm 2018, đã có tới 40 hãng taxi truyền thống biến mất trên thị trường. Một số hãng tồn tại bằng cách liên kết với nhau. Ví dụ, vào tháng 5/2018, taxi Long Biên đã sáp nhập taxi Phú Thụy và giữ thương hiệu taxi Long Biên.
Các hãng lớn vẫn trụ lại một cách độc lập trên thị trường nhưng đi kèm với muôn vàn khó khăn. Cả Vinasun và Mai Linh đều rơi vào cảnh hoặc thua lỗ, hoặc lợi nhuận giảm sâu.
Cụ thể, Vinasun chưa thua lỗ theo năm, nhưng nếu tính theo quý, công ty này không ít lần méo mặt với những khoản lợi nhuận âm. Đáng nói, trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vinasun chỉ đạt 89 tỷ đồng, thấp nhất suốt 10 năm qua. Doanh thu cũng giảm khoảng 50% so với thông thường, xuống chỉ còn 1.659 tỷ đồng.
Cùng với việc thua lỗ, Vinasun cũng từng gây sốc khi sa thải 10.000 tài xế trong năm 2017. Hiện tại, số lượng nhân sự tại công ty này vẫn chưa “phục hồi” và đứng ở mức rất thấp so với thời kỳ trước khi taxi công nghệ xuất hiện.
Mai Linh thậm chí còn bết bát hơn với những khoản lỗ liên tiếp xuất hiện. Năm 2017, dư luận xôn xao khi Công ty Kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh do công ty này âm vốn lưu động gần 1.300 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng.
Lỗ lớn, nợ khủng, tới tháng 3 năm nay, Mai Linh phải sáp nhập với Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung, thành công ty mới Tập đoàn Mai Linh. Công ty mới có vốn điều lệ gần 1.729 tỷ đồng.
Taxi truyền thống được đánh giá là bị taxi công nghệ “chèn ép”. Thế nhưng, báo cáo mới đây của Grab cho thấy Grab cũng không may mắn nếu xét theo chỉ tiêu lợi nhuận, ngay cả khi thâu tóm Uber thành công.
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Grab cho biết, công ty lỗ 938 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2016. Tới năm 2017, Grab lỗ thêm 788 tỷ đồng. Tình hình tài chính năm 2018 của Grab chưa được tiết lộ nhưng nhiều người tin rằng vẫn chưa có “tia sáng cuối đường hầm”.
Cơ hội vẫn cho Grab
Grab nói riêng hay taxi công nghệ nói chung đã giành được lợi thế hơn taxi truyền thống nhờ giá rẻ và tiện lợi. Cho đến nay, tính tiện lợi vẫn còn được giữ nguyên nhưng về giá, khách hàng không hẳn lúc nào cũng được lợi.
Chị Lê Thanh Huyền (Đại La, Hà Nội) cho biết: “Vào giờ cao điểm, do không gọi được taxi truyền thống nên tôi gọi Grab. Tôi đi 22km mà phải trả gần 600.000 đồng. Trong khi đó, bình thường, tôi chỉ phải trả 250.000 đồng khi đi Mai Linh. Bằng chứng này cho thấy Grab không phải đắt mà rất đắt”.
Tuy nhiên, theo chị Huyền, Grab vẫn “được lòng” chị và bạn bè chị vì giá khá tốt ở những khung giờ bình thường. Hơn nữa, trong những ngày lễ, những ngày trời mưa rất dễ để gọi Grab, còn taxi truyền thống thì gần như không thể. Đó là lý do tại sao thị phần ngành taxi ngày càng rơi vào tay Grab. Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab cho biết, hiện tại Grab đang chiếm 20% thị phần taxi và mục tiêu sẽ tăng lên 50% trong năm 2020.
Vẫn chưa hé lộ thời điểm nào mới chấm dứt thua lỗ. Có vẻ như lợi nhuận chưa phải mục tiêu của hãng taxi công nghệ này mà thị phần mới là điểm đến của Grab. Nhưng nắm được thị phần rồi sẽ thế nào? Grab chưa chắc chỉ nhắm đến dịch vụ vận tải hành khách, ít nhất một mục tiêu khác có thể mang lại nhiều giá trị hơn lĩnh vực kinh doanh chính đã hé lộ. Đó là thanh toán.
Để sử dụng được dịch vụ Grab, hàng chục triệu khách hàng phải tải phần mềm ứng dụng Grab trên thuê bao di động của mình. Từ đó, Grab có thể nắm được thói quen sinh hoạt cũng như thói quen tiêu dùng của khách. Từ đó, GrabPay ra đời, trước hết để phục vụ thanh toán “nội bộ”.
Và thanh toán “nội bộ” chắc hẳn chưa phải đích đến cuối cùng của Grab. Thời gian này, các chuyên gia cảnh báo hệ thống ngân hàng, công ty tài chính truyền thống phải nhanh chóng xây dựng chiến lược đối phó với các đối thủ khổng lồ như Facebook, Google. Với việc sở hữu dữ liệu khách hàng quá lớn, những ông lớn công nghệ này hoàn toàn có thể tấn công sang thanh toán.
Và bên cạnh Facebook, Google, hãng taxi công nghệ Grab cũng là một cái tên mà các ngân hàng, công ty tài chính truyền thống nên đưa vào danh sách đối thủ tương lai của mình.
Vy Vy
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường